MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc thanh trừng của FIFA để làm trong sạch thị trường mua bán cầu thủ

VIỆT HÙNG LDO | 12/12/2021 17:31
Chứng kiến một người đại diện cầu thủ đút túi 16 triệu bảng cho một phi vụ chuyển nhượng giá 20 triệu bảng, FIFA nhận thấy đây có thể là một trào lưu "tham nhũng" kiểu mới.

Trong những năm gần đây, có ít nhất 10 trường hợp một người đại diện cầu thủ đã được trả tối thiểu 10 triệu bảng trong việc chuyển nhượng cầu thủ tại Châu Âu. Thông thường, mức họ nhận được chỉ là 5 triệu bảng nhưng con số gấp đôi này đã khiến những nghi vấn nổi lên.

FIFA đã nắm được hiện trạng này và tổ chức lớn nhất của bóng đá thế giới muốn can thiệp để tránh những hành vi trục lợi bất chính. 5 trong số các thương vụ nhận tiền không bình thường này đang được trực tiếp điều tra. Bên cạnh đó, có một vài vụ chuyển nhượng nổi tiếng cũng chuẩn bị được đưa lên "bàn mổ", như De Jong (từ Ajax sang Barcelona), Lozano (từ PSV sang Napoli), Emre Can (từ Liverpool sang Juventus).

Theo bài viết đăng trên trang Daily Mail (Anh), trường hợp lộ liễu nhất bị FIFA phát hiện có liên quan đến một vụ chuyển nhượng trị giá 20 triệu bảng, từ một đội tại Ligue-1 sang Bundesliga. Người đại diện cho cầu thủ đó đã đút túi 16 triệu bảng. Con số 16 triệu bảng còn nhiều hơn lương của người đại diện này trong 5 năm (14 triệu bảng).

Một quan chức của FIFA chia sẻ, năm 2015, việc tổ chức này loại bỏ nhiều quy định áp vào người đại diện cầu thủ là hành động sai lầm khủng khiếp. Chủ tịch FIFA - Infantino hiện đang nhận khá nhiều chỉ trích khi thay Blatter từ năm 2016. 4 năm trước, người đứng đầu FIFA đã bắt tay vào việc cải tổ thị trường chuyển nhượng nhưng vẫn chưa có dấu ấn nào đáng nhớ.

Lúc này, các quy định mới do Infantino phê duyệt có một số điều khoản đáng chú ý, ví dụ việc người đại diện chỉ nhận được tối đa 10% tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng của cầu thủ. Bên cạnh đó, trong các cuộc đàm phán hợp đồng, người đại diện cũng chỉ nhận được tối đa 3% trên tổng số lương cầu thủ đó nhận được tại câu lạc bộ mới. Điều này đã vướng phải sự chỉ trích rất nhiều từ những "siêu cò" có máu mặt trên thị trường.

FIFA cũng cấm những người đại diện "ăn hai mang". Tất cả dữ liệu về tên và tiền nhận được của những người đại diện sẽ được niêm yết trên một cơ sở dữ liệu công khai. Khi luật bảo vệ dữ liệu cho phép, tất cả các giao dịch sẽ được công khai, ngay cả khi số tiền cụ thể không được công bố.

Từ quan điểm của FIFA muốn phân bổ lại toàn bộ số tiền trong một vụ chuyển nhượng, mọi thương vụ có thể phải thông qua một cơ quan tính toán bù trừ độc lập. Trong số này, sẽ có tới 5% tổng giá trị chuyển nhượng sẽ được gửi lại cho nơi đã đào tạo cầu thủ đó đầu tiên.

Infantino cho hay, tổng giá trị chuyển nhượng cầu thủ được tính toán năm 2019 lên tới 5,5 tỉ bảng. Có 550 triệu bảng được cắt ra cho những người đại diện và 55 triệu bảng được gửi lại các học viện đã đào tạo cầu thủ những ngày đầu.

FIFA cho hay, việc họ đưa ra các mức cụ thể này sẽ khiến những "siêu cò" nổi tiếng như Jorge Mendes hay Mino Raiola phật lòng. Mel Stein - Chủ tịch Hiệp hội người đại diện cầu thủ cho hay, kế hoạch đó của FIFA không chấp nhận được. Ông cũng đưa ra dẫn chứng, ở Anh, FA cũng có một công ty kiểm tra độc lập việc bù trừ tiền chuyển nhượng nhưng không hiệu quả, cớ gì một công ty khác làm việc đó trên toàn cầu sẽ tốt?

Từ 2011 đến 2020, ước tính có khoảng 36 tỉ bảng đã được chi ra cho chuyển nhượng cầu thủ và những người đại diện đã đút túi được khoảng 3 tỉ bảng trong số đó. Con số này mới chỉ thống kê các vụ chuyển nhượng xuyên quốc gia chứ chưa động đến các thương vụ nội địa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn