MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
12 đội tham gia Super League có thể vẫn tái hợp một ngày gần nhất. Ảnh: AFP.

Cuối cùng, Super League có thật sự là giải đấu bất hợp pháp hay không?

VIỆT HÙNG LDO | 29/09/2021 16:37
Việc Ceferin "giương cờ trắng" trước Real, Barca và Juventus trong vụ Super League cho thấy, chưa chắc giải đấu này nếu tồn tại đã vi phạm những quy định của UEFA.

Khi các giải bóng đá cúp Châu Âu vẫn sôi động, UEFA vừa trải qua một diễn biến đáng chú ý không kém, liên quan đến scandal Super League cách đây vài tháng.

Từ 12 đội, rút xuống còn 9, tan rã để rồi còn lại 3 tên tuổi là Real Madrid, Barcelona và Juventus vẫn quyết tâm tổ chức Super League trong tương lai. Lạ ở chỗ, các đội khác rút lui khỏi dự án này vì sợ UEFA phạt, chỉ riêng 3 đội này vẫn cứng đầu, chấp nhận chơi đến cùng với UEFA.

Đầu tuần này, phiên tòa án ở Madrid đã ngã ngũ. UEFA từ bỏ vụ kiện, cùng với đó là các án phạt nhắm vào bộ 3 câu lạc bộ khổng lồ này. Đương nhiên, UEFA cũng không thu được khoản 15 triệu Euro/đội của 9 câu lạc bộ đã "bỏ mặc" Real, Barca và Juve. Đây là khoản tiền "thiện chí", được UEFA ví như tiền khắc phục hậu quả sau scandal chứ không hẳn là tiền phạt. Bởi đơn giản, đến lúc này, không còn tòa án nào kết luận được Super League là giải đấu bất hợp pháp.

UEFA đã thất bại một lần nữa trước Super League. Ảnh: AFP.

Các luật sư tham gia vào vụ này cho hay, họ lo ngại trong tương lai gần, Super League sẽ diễn ra, bằng cách này hay cách khác. Sau Covid-19 và cơn bão Super League vừa qua, UEFA đến lúc này vẫn chưa có bất cứ động thái nào hỗ trợ những đội bóng lớn để họ vực dậy về tài chính. Thế nên, siêu giải đấu này vẫn tồn tại âm ỉ và chờ ngày bung ra.

Lại nói về chuyện lợi nhuận, nếu Super League đợt vừa rồi tổ chức thành công, Real Madrid và Barcelona có lẽ là 2 đội hưởng lợi nhiều nhất. Do đó, họ không dại gì để bỏ cuộc giữa chừng. Đội thứ 3 có thể là Manchester United. Những cái tên khổng lồ này thật khó có thể đứng yên nhìn PSG hay Man City vung tiền bởi sự hậu thuẫn của các tập đoàn gia đình đến từ Trung Đông. 

Chủ tịch của Super League là Perez, Phó Chủ tịch là Agnelli cùng với Joel Glazer (M.U), Henry (Liverpool) và Kroenke (Arsenal). Agnelli được coi là người thúc đẩy Super League mạnh nhất trong 4 Phó Chủ tịch. Trước khi UEFA rút lui vào đầu tuần này, chính Agnelli vẫn tiếp tục gửi đến người hâm mộ "Bà đầm già" những mặt lợi nếu Super League được tổ chức.

Agnelli rõ ràng là cái gai lớn nhất trong mắt các quan chức UEFA. Do đó, sau khi cơn bão Super League lắng xuống, vị trí Chủ tịch Hiệp hội các câu lạc bộ Châu Âu (ECA) của tỷ phú này đã bị thay thế bởi Al-Khelaifi (Chủ tịch PSG). Trong lúc nguy khốn nhất, chỉ có Al-Khelaifi đứng về phía Ceferin nên chức vụ này trao tay ông là điều dễ hiểu.

Agnelli đã mất ghế Chủ tịch ECA vào tay Al-Khelaifi. Ảnh: AFP.

Sở dĩ các đội bóng lớn ở Châu Âu bức xúc với UEFA bởi vai trò của họ bị tổ chức này xem thường nghiêm trọng. Với mỗi giải quốc nội, 12 đội lớn là các cổ đông lớn, có tiếng nói quyết định. Thế nhưng, ra đến các sân chơi của UEFA, họ không được quyền làm gì cả.

Một số đội cảm giác như bị lừa dối bởi UEFA bấy lâu nay vẫn liên tục nói về cái gọi là "công bằng" giữa những câu lạc bộ. Thế nhưng, khi Man City hay PSG liên tục chi đậm, UEFA lại không thể phạt nổi hoặc không tìm ra cách để phạt. Điều này khiến Real, Barca, Juve và các đội khác ấm ức.

Có một câu hỏi luôn khiến những nhà phân tích thể thao ở Châu Âu đắn đo, cuối cùng, UEFA là một cơ quan quản lý bóng đá hay là một doanh nghiệp có tính cạnh tranh với những chính đội bóng ở lục địa già?

Hiểu đơn giản, UEFA được phép điều chỉnh các giải đấu thuộc quyền sở hữu của họ, với các câu lạc bộ đến từ nhiều quốc gia, không sợ bị Chính phủ các quốc gia can thiệp. Dẫu biết, UEFA cũng phải tuân thủ một số quy định nhưng sẽ không quá ngặt nghèo. Từ chuyện lịch thi đấu, án phạt doping, ma túy với cầu thủ,... UEFA có thể tự ban hành các luật cho riêng mình nếu những cầu thủ vi phạm. Điều này có tác dụng ngược với những đội bóng lớn khi họ muốn có ý kiến sửa đổi, UEFA đều cảm thấy họ đang bị đe dọa và sẽ phớt lờ.

Những giải như Champions League luôn có những luật lệ riêng. Ảnh: AFP.

Tiến sĩ Borja Garcia đến từ Đại học Loughborough (Anh quốc) cho hay, việc UEFA ngăn các đội thành lập Super League một cách vô cớ đang vi phạm luật cạnh tranh. UEFA không có quyền đưa ra các án phạt vô lý chỉ bởi những đối thủ muốn xây dựng giải đấu mới để cạnh tranh tài chính với họ.

Tiến sĩ Katarina Pijetlovic từ Đại học Manchester Metropolitan (Anh quốc) chia sẻ, UEFA không có quyền độc quyền thương mại để tổ chức các giải đấu và chẳng có bất cứ tổ chức nào được làm vậy. Pijetlovic giải thích thêm, nếu các đội thành lập Super League xin ý kiến của UEFA từ trước và nhận được sự đồng thuận, mọi thứ sẽ trơn tru. Đáng tiếc, điều kiện để trơn tru nêu trên sẽ không bao giờ xảy ra.

Tiến sĩ Garcia cho hay, UEFA có thể ban hành một bộ quy tắc kép với tư cách vừa là cơ quan quản lý, vừa là một tổ chức cạnh tranh thương mại, miễn là mọi quy tắc đều đúng luật. Do đó, hình phạt cấm các đội Super League đá World Cup hay EURO là điều không hợp lý.

Sẽ không có chuyện các cầu thủ bị cấm đá giải lớn đội tuyển nếu tham gia Super League. Ảnh: Champions League.

Phiên tòa đòi xử phạt các đội Super League của UEFA đã khép lại mà không có quyết định nào về xử phạt được thực thi. Super League vẫn âm ỉ chờ ngày giành chiến thắng để tổ chức đàng hoàng một giải đấu để cạnh tranh thương mại với các giải của UEFA.

Từ giờ đến lúc đó, các đội hãy tích cực phục hồi để có sức mạnh đón nhận một đợt dông bão mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn