MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Manchester City.

Đá bóng thời COVID-19: Gia đình, tiền bạc và những nỗi lo của cầu thủ

VIỆT HÙNG LDO | 14/05/2020 06:41

Câu chuyện của những ngôi sao như Sergio Aguero hay Manuel Lanzini chỉ là 2 trong rất nhiều những tâm tư của cầu thủ trước ngày trở lại với trái bóng.

Với những người không còn phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc như Sergio Aguero, sức khỏe là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Không chỉ lo cho bản thân, tiền đạo của Manchester City cũng phải nghĩ đến gia đình của mình, khi tất cả đang sống trong tâm dịch COVID-19 tại Anh.

Khi kế hoạch tái khởi động Premier League được ấn định vào tháng 6, Aguero là người phản đối mạnh mẽ nhất. Anh đặt sự an toàn của vợ con lên trên hết. Nếu ngôi sao 31 tuổi trở lại đá bóng và nhiễm bệnh, chính vợ con anh là người hứng chịu hậu quả đầu tiên.

Sergio Aguero. Ảnh: PA.

Aguero và những đồng nghiệp có cùng quan điểm chẳng thể đủ tiếng nói để ngăn Premier League quay trở lại. Nếu họ không chịu vào sân, không thể ép nhưng những đòn giáng vào kinh tế sẽ đến.

Hợp đồng mỗi cầu thủ ký kết luôn có điều khoản phải cống hiến bao nhiêu để nhận đủ lương, ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng như chấn thương. Aguero có thể không cần một vài tuần, thậm chí bỏ cả phần còn lại của mùa giả. Nhưng với những ngôi sao khác, họ không được quyền lựa chọn.

Manuel Lanzini của West Ham là ví dụ. Mức lương của anh tại The Hammers chỉ là 70.000 bảng/tuần, bằng chưa đến 1/3 lương của Aguero. Nếu Lanzini nghỉ đá vì sợ dịch, ai sẽ là người thay anh lo gánh vác tài chính trong gia đình? Chưa kể chuyện không được trả lương, các ngôi sao còn có thể bị phạt hợp đồng vì vi phạm điều khoản với đội bóng.

Manuel Lanzini. Ảnh: REX.

"Trách nhiệm của đội bóng là cung cấp một môi trường an toàn để các cầu thủ có thể cống hiến hết mình. Khi các đội đã đảm bảo được điều này, cầu thủ có thể nghe theo các khuyến cáo của Chính phủ và hoạt động trở lại bình thường.

Nếu các ngôi sao vẫn cố tình không thi đấu, chuyện bị phạt tiền hợp đồng là đương nhiên. Các đội sẽ không ép cầu thủ phải đá bóng trong lúc dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm nhưng họ có quyền được phạt hợp đồng.

Trong bối cảnh nhạy cảm như hiện tại, tôi chỉ mong các đội sẽ có biện pháp hài hòa. Cầu thủ có lý do chính đáng, đó là sức khỏe bản thân và gia đình, họ cần được tôn trọng", luật sư thể thao Liz Ellen chia sẻ.

Trong quá khứ, vấn đề cầu thủ tự xin nghỉ đá vì lý do bất đắc dĩ đã xảy ra nhiều ở Premier League. Năm 2013, Newcastle từng để Papiss Cisse ngồi ngoài do hãng tài trợ Wonga xuất hiện trên áo đấu của "Chích chòe". Biểu tượng của hãng này có ít nhiều sự xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của Cisse và anh đã từ chối ra sân.

Chelsea năm 2001 từng chấp nhận yêu cầu xin nghỉ đá của 6 cầu thủ đội 1 khi họ có chuyến hành quân đến sân của Hapoel Tel Aviv thuộc Israel. Tình hình an ninh tại quốc gia này khi đó rất căng thẳng khiến nhiều ngôi sao không muốn ra sân.

Papiss Cisse từng là ngôi sao sáng của Newcastle. Ảnh: The Sun.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn