MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đoạn kết EURO 2020 và nguồn cảm hứng từ bóng đá

PHAN ĐĂNG LDO | 12/07/2021 13:00

Sau trận chung kết EURO 2020, nhà báo Phan Đăng đã đưa ra góc nhìn riêng về nguồn cảm hứng từ bóng đá.

Trận chung kết EURO 2020 kéo dài từ đêm qua đến tờ mờ sáng nay gợi lên rất nhiều suy nghĩ về những cảm hứng từ bóng đá.

Giả như, một Đội tuyển Anh luôn được kỳ vọng nhưng luôn thiếu duyên với các trận chung kết lần này đã vào chung kết một cách ấn tượng. Giả như, một Đội tuyển Italia thường chỉ đi sâu khi “khởi đầu chậm”, thế mà lần này lại đi sâu khi “khởi đầu nhanh”.

Họ toàn thắng cả 3 trận vòng bảng, và ấn tượng hơn: thắng bằng một thứ bóng đá tấn công áp đặt vốn xa lạ với truyền thống của chính mình. Chứng kiến họ “khác mình” như thế, chúng ta vừa phục họ nhưng vừa có thoáng ngờ ngợ: nóng máy sớm “khác mình” kiểu này Italia khó đi xa, khó vô địch. Vậy mà cuối cùng họ đã vô địch, sau những loạt đấu súng nghẹt con tim.

Tất cả nói lên rằng: cả với Anh lẫn Italia, cả ở hôm nay và ngày mai, lịch sử đều có thể được viết lại theo một cách rất khác. Và đó chính là bản chất của bóng đá: nó luôn mang đến những kịch bản khác mọi kịch bản đã có, khác mọi kịch bản người ta lường trước. Bóng đá tạo cảm hứng cho người xem cũng chính ở yếu tố này chăng?

Bóng đá quốc tế tạo cảm hứng, khiến người ta phải thức đêm xem nó, vui với nó, đau với nó, trăn trở với nó, vì nó mà không sao nhắm mắt. Bóng đá trong nước cũng tạo cảm hứng sau mỗi dịp lên đỉnh của đội tuyển quốc gia ở sân chơi khu vực và những thành tích ấn tượng ở sân chơi châu lục. Cảm hứng từ bóng đá trong rất nhiều trường hợp tạo ra sự gột rửa cảm xúc lớn lao tới đời sống một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia. Và nó là một tín hiệu đáng phấn khởi.

Nhưng nó chưa phải là điểm dừng mà quá trình tác động của bóng đá có thể tạo ra. Phải làm gì để nguồn cảm hứng từ bóng đá tạo nên giá trị? Giá trị cho bản thân mình, cho cộng đồng mình, cho quốc gia mình? Lịch sử cho thấy: có được cảm hứng là rất tốt, nhưng phung phí nguồn cảm hứng thì thật đáng tiếc. Ngược lại, biết tận dụng nguồn cảm hứng để tạo ra những thặng dư cho cuộc sống thì đáng quý biết bao.

Chính từ những suy nghĩ này mà trong cuốn “39 câu hỏi cho người trẻ” phát hành mới đây, tôi đã đặt ra câu hỏi số 39, câu hỏi cuối cùng trong cuốn sách: Tại sao phải biến cảm hứng thành giá trị? Xin dẫn một đoạn, để những người yêu bóng đá cùng suy ngẫm:

“Có một giai thoại liên quan đến trận đánh lịch sử giải phóng Leningrad trong cuộc chiến tranh vệ quốc của người Liên Xô, rằng Stalin đã lệnh cho tất cả các thành viên thuộc dàn nhạc giao hưởng của Hồng Quân phải trở về chơi bản giao hưởng số 7 của Shostakovich để toàn quân có một nguồn hưng phấn lớn lao trước khi xung trận.

Với giai thoại này, chúng ta hiểu, bản giao hưởng kia vốn dĩ đã tạo ra cảm hứng, và Stalin là người đã sử dụng nguồn cảm hứng đúng nơi, đúng lúc để làm nên thắng lợi. Có một giai thoại phương Đông cổ xưa khác, liên quan đến một lần chạy giặc của Tào Tháo. Khi ấy quân sĩ vừa mệt vừa khát khô cổ họng, nhiều người thậm chí có tư tưởng buông xuôi. Tào Tháo liền bảo: “Phía trước có rừng mơ”. Chính nhờ nguồn cảm hứng rừng mơ mà toàn quân tăng tốc, chạy khỏi tầm bám đuổi của quân thù, dù thực tế chẳng có bất cứ rừng mơ nào cả Những điều trên đây chứng minh rằng, cảm hứng giúp người ta thoát thân.

Cảm hứng giúp người ta chiến thắng. Và cảm hứng giúp người ta sáng tạo. Nhà nghiên cứu văn hóa, tư tưởng Nguyễn Trần Bạt đã có một phân tích rất đáng tham khảo về mối quan hệ giữa cảm hứng và sáng tạo trong cuốn Cội nguồn cảm hứng, rằng “con người vốn sáng tạo thông qua năng lực tưởng tượng, và cảm hứng chính là chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng ấy... Chính cảm hứng và năng lực tưởng tượng phong phú làm nên sự đa dạng của các giá trị tinh thần, nơi mà con người có thể nhặt được sự sáng tạo ở trong bất kì góc tối nào của cuộc sống”.

Nhìn lại một chuỗi những sự kiện đã tạo ra nguồn cảm hứng cộng đồng lớn lao: chức vô địch Đông Nam Á của Đội tuyển Việt Nam, huy chương vàng bắn súng Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, huân chương Fields danh tiếng của Giáo sư Ngô Bảo Châu..., chúng ta có quyền tin rằng, sau những sự kiện này rồi sẽ còn có những sự kiện tương tự khác, từ đó sẽ tiếp tục sinh ra những nguồn cảm hứng xã hội ghê gớm khác.

Có người bảo những nguồn cảm hứng như thế giống như những liều “doping cần thiết” cho tinh thần xã hội. Tôi không thích khái niệm “doping”, vì doping chỉ tạo ra những sự thăng hoa, bùng nổ nhất thời. Điều quan trọng cần hướng đến là phải tìm cách sử dụng và tận dụng nguồn cảm hứng để tạo ra những giá trị căn cơ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn