MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huấn luyện viên của 3 ông lớn tại bảng F EURO 2020 không phải quá lo đến chuyện trở thành nạn nhân của "bảng tử thần". Ảnh: UEFA

EURO 2020 và góc nhìn khác về “bảng tử thần"

TAM NGUYÊN LDO | 15/06/2021 19:56

Không chỉ EURO 2020, nhiều giải đấu đã, đang và sẽ làm mất đi cái chất của “bảng tử thần” vì việc thay đổi cơ cấu tổ chức.

“Ngày 23.6.2021, phút 89 trận Bồ Đào Nha đấu Pháp, Antoine Griezmann vượt qua 2 hậu vệ trước khi hạ Rui Patricio để ấn định chiến thắng kịch tính 3-2. Les Bleus giành suất vào vòng 16 đội với tư cách là đội đầu bảng, Đức cùng đi nhờ vị trí thứ 2, trong khi Bồ Đào Nha - đội vô địch năm 2016 bị loại cùng Hungary. Bồ Đào Nha vừa trở thành nạn nhân mới nhất của "bảng tử thần".

Tất nhiên, đây là kịch bản hư cấu, nhưng có thể diễn ra tại EURO 2020. Chuyện về “bảng tử thần”, với tiền thân của nó có thể được bắt nguồn từ World Cup 1958 ở Thụy Điển. Khi đó, báo chí địa phương đã gọi Bảng 4 với Brazil, Anh, Liên Xô và Áo là “Giganernas Kamp” (Trận chiến của những người khổng lồ).

“Bảng tử thần” lần đầu tiên xuất hiện tại World Cup 1970 bởi một nhà báo Mexico, khi nói tới Bảng 3 gồm Brazil – đội sau đó vô địch, đương kim vô địch Anh, Tiệp Khắc - vào chung kết năm 1962 và Romania, với tên gọi 'Grupo de la Muerte'.

Cụm từ này được sử dụng một lần nữa vào năm 1982, với bảng đấu chết chóc nhất trong lịch sử World Cup. Đó là Bảng C của vòng bảng thứ hai, với chỉ 1 đội được đi tiếp trong số đương kim vô địch Argentina, ứng viên Brazil và Italia – đội sau đó vô địch.

Đội tuyển Pháp từng là nạn nhân của “bảng tử thần” trong quá khứ. Ảnh: TL

Với người ngoài cuộc, những màn đối đầu giữa những đội bóng mạnh, những tên tuổi “cứng đầu” ở vòng đấu bảng là một phần rất lớn tạo ra sức hút cho bất kỳ giải đấu nào. Còn với những kẻ trong cuộc, đó dĩ nhiên là trận chiến lớn nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý rất tốt.

Như huấn luyện viên Enzo Bearzot của Italia thừa nhận sau khi đánh bại Brazil 3-2 năm 1982 rằng, “cảm giác như chúng tôi đã là nhà vô địch”. Kết quả là Azzurri lần lượt hạ Ba Lan ở bán kết và Tây Đức ở chung kết.

Ngược với sự thăng hoa của kẻ chiến thắng, “nạn nhân của tử thần” cũng nhận được sự quan tâm không kém, khi nó mang lại cảm giác cay đắng, xấu hổ. Lịch sử các kỳ EURO hay World Cup thậm chí còn chứng kiến việc một bảng đấu chỉ được biết đến là “bảng tử thần” khi đã diễn ra, và nhiều tên tuổi lớn đã là nạn nhân.

"Bảng tử thần" không còn là nguyên bản

Tại EURO 2020, bảng F rơi vào tình thế này với Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Hungary. Vậy nhưng, với việc giải đấu tăng số đội lên 24 từ 5 năm trước (EURO 2016), “bảng tử thần” dường như chỉ còn trên danh nghĩa. Khi những tấm vé đi tiếp không chỉ dành cho 2 đội đứng đầu 6 bảng đấu mà còn có 4 suất cho các đội đứng thứ 3 có kết quả tốt nhất.

Hungary từng cầm hòa Bồ Đào Nha tại EURO 2016 nhưng tại bảng F năm nay, họ coi như “đã bị chọn“. Ảnh: AFP

Có mấy người dám tin 1 trong 3 ông lớn nói trên sẽ phải chia tay giải đấu sau vòng bảng? Kể cả việc phải đứng thứ 3 ở bảng F thì cơ hội để họ hiện diện tại vòng 1/8 vẫn cao hơn nhiều ở cả bảng khác. Nói chính xác thì khi việc của 3 ông lớn là phân chia ngôi thứ, còn Hungary sớm bị chọn làm nạn nhân, bởi tử thần “bận” ngó sang các bảng còn lại với những trận đối đầu căng thẳng hơn nhiều.

Còn nhớ, chính Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo từng vượt qua vòng bảng với tư cách là đội đứng thứ 3 trong 4 đội đứng thứ 3 có kết quả tốt nhất (3 trận hòa), và sau đó thẳng tiến đến chức vô địch.

Liên tưởng một chút tới Copa America 2021 đang diễn ra ở Nam Mỹ, như bảng A của các đội miền Nam cũng bị gọi là “bảng tử thần” với Argentina, Uruguay, Chile, Paraguay và Bolivia. Nhưng số đội sẽ giành vé đi tiếp là… 4 thì coi như Bolivia “chết chắc”.

Thế nên như Bolivia, Hungary hay các đội sau này rơi vào tình cảnh tương tự, khái niệm “bảng tử thần” nên được hiểu theo một nghĩa khác. Nghĩa là họ “đã bị chọn”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn