MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

FA đã vực dậy "Tam sư", xây dựng "DNA tuyển Anh" như thế nào?

MINH TRIẾT LDO | 13/07/2021 15:17
Không muốn tụt hậu, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã lên kế hoạch chi tiết giúp "Tam sư" cải thiện thành tích tại các giải đấu lớn.

Trong 3 năm gần nhất, đội tuyển Anh đã 3 lần vào đến bán kết các giải đấu (World Cup 2018, Nations League 2019 và EURO 2020). Nếu đem ra so sánh với giai đoạn 1966-1996 chỉ 4 lần vào bán kết các giải đấu, "Tam sư" đã có sự cải thiện đáng kể. Đó là thành quả nỗ lực của FA trong công cuộc cải tổ bóng đá Anh.

Từ mục tiêu của Greg Dyke

"Mục tiêu đầu tiên là tuyển Anh ít nhất phải lọt vào bán kết EURO 2020. Mục tiêu thứ hai là chúng tôi giành chức vô địch World Cup 2022", ông Greg Dyke đã nói sau khi nhậm chức Chủ tịch FA vào năm 2013.

Thời điểm đó, có rất nhiều lời chế giễu phát ngôn của Dyke. Gần 20 năm không vào đến bán kết, nửa thập kỷ không danh hiệu khiến sự tin tưởng của người hâm mộ giảm sút nghiêm trọng. Tuyển Anh luôn dư thừa nhân tài nhưng hay bị ví như "gánh xiếc rong", vì chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài chứ không hiệu quả trong thi đấu.

Chủ tịch FA giai đoạn 2013-16, Greg Dyke quyết tâm đặt một mục tiêu cụ thể để làm điểm khởi đầu trong công cuộc cải thiện thành tích của tuyển Anh. Thậm chí, Dyke đã thành lập một ủy ban để lên phương án và giám sát kế hoạch.

"Bản kế hoạch của Greg Dyke thực sự đã thúc đẩy một sự thay đổi trong suy nghĩ. Vào thời điểm đó, các mục tiêu đặt ra cho tất cả mọi người và nó được hiểu kiểu "OK, nếu muốn vô địch World Cup, chúng ta không thể tiếp tục làm như những gì chúng tôi đã làm", Cựu trưởng bộ phận nhận dạng tài năng của FA - Mike Rigg chia sẻ.

Đến sự xuất hiện của Dan Ashworth

Giám đốc kỹ thuật hiện tại của Brighton - Dan Ashworth không muốn nhận công lao cho sự tiến bộ của đội tuyển Anh nhưng vai trò của anh thực sự không thể bị đánh giá thấp. Mike Rigg mô tả việc bổ nhiệm Dan Ashworth vào vị trí Giám đốc phát triển ưu tú của FA hồi tháng 9.2012 nhằm mục đích tìm kiếm các danh hiệu. Ashworth là "người thay đổi cuộc chơi".

Sự xuất hiện của Ashworth là một phần trong quá trình cải tổ của FA, khi tạo nên những thay đổi cần thiết để chuyển đổi các đội tuyển quốc gia. Dưới bàn tay của vị Giám đốc mới, Gareth Southgate ngồi vào vị trí huấn luyện viên đội U21, Matt Crocker là trưởng ban huấn luyện phát triển, Martin Glenn, Dave Reddin và cả Rigg đều được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng nhằm định hình tương lai của tuyển Anh.

"Dan Ashworth ngồi ở vị trí cao nhất, giám sát mọi thứ theo một cách có chiến lược. Tầm nhìn xa của FA trong việc bổ nhiệm một người như vậy đã tạo ra một sự khác biệt đáng kể", Rigg không tiếc lời khen ngợi.

Tạo "DNA tuyển Anh" và thói quen giành danh hiệu

Ashworth là một trong những người sáng tạo ra lý thuyết "DNA tuyển Anh" trên phạm vi rộng được FA thúc đẩy thực hiện. Điều này được hiểu là tạo ra sự nhất quán trong lối chơi ở các cấp đội tuyển, đảm bảo rằng các cầu thủ sẽ biết bản thân cần làm gì sau khi được triệu tập.

Theo truyền thống, các huyện luyện các cấp đội tuyển thừa làm việc theo cách riêng, chơi các hệ thống và phong cách khác nhau. "DNA tuyển Anh" tạo ra thay đổi để các cầu thủ từ 15 tuổi trở lên biết những gì cần ở một cầu thủ Anh, về cả kỹ chiến thuật và tinh thần. Theo Rigg, phương án này không được chấp nhận rộng rãi nhưng cũng đã bắt đầu thay đổi cách tuyển Anh chơi bóng và huấn luyện.

Năm 2013, FA nghiên cứu 10 quốc gia và kết luận thành công ở các cấp độ trẻ tương quan với thành công ở cấp đội tuyển. Do đó, một mục đích của "DNA tuyển Anh" là tạo quá trình liền mạch, giúp cầu thủ sẽ tiến bộ qua từng thời kỳ.

Trong năm 2017, các đội trẻ của Anh vô địch 4 trong 6 giải trẻ, về nhì 1 giải và vào bán kết ở giải còn lại. Jadon Sancho và Phil Foden thuộc thành phần vào chung kết U17 EURO và vô địch U17 World Cup 4 năm trước. Nhìn rộng ra trong thập kỷ qua, U19 Anh và U20 Anh đều đã vô địch EURO, World Cup. Một thế hệ với Pickford, Calvert-Lewin, Ben Chilwell, Jack Grealish đã quen đua tranh danh hiệu.

Sự ra đời của hiệu suất người chơi ưu tú và St George's Park

Cựu trưởng bộ phận nhận dạng tài năng của FA - Mike Rigg nhận định, 90% sự phát triển của một cầu thủ dựa vào các câu lạc bộ chủ quản của họ. Việc áp dụng hệ thống hiệu suất người chơi ưu tú (EPPP) của Premier League từ năm 2012, đã nâng cao trình độ cầu thủ trẻ.

Kế hoạch này tăng thời gian huấn luyện, cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý việc chuyển nhượng các cầu thủ Anh ở độ tuổi thiếu niên. Điểm quan trọng nhất của EPPP là kế hoạch này yêu cầu các câu lạc bộ Premier League và các giải cấp thấp hơn phải cam kết đầu tư cho học viện bóng đá trẻ.

Ngoài giải Premier League, Anh có các giải trẻ ở cấp độ U18 và U23. Các đội trẻ liên kết trực tiếp với đội 1 để trao đổi cầu thủ, giúp các "mầm non" được va chạm với môi trường đỉnh cao.

Ở góc độ đội tuyển, FA cũng cho khai trương trung tâm bóng đá quốc gia St George's Park vào năm 2012. Mục đích của trung tâm là trở thành cơ sở cho tất cả các công tác huấn luyện và phát triển do FA đảm nhiệm, đồng thời là nơi đào tạo và chuẩn bị cho tất cả 28 đội tuyển bóng đá quốc gia Anh.

Bản thân huấn luyện viên Gareth Southgate cũng đồng hành với các đội tuyển Anh từ năm 2011. Ông quen thuộc với St George's Park và hiểu rõ nhiều thế hệ cầu thủ tài năng nhất xứ sương mù. Và cũng vì lẽ đó, Southgate đang bước đầu thu về thành công khi dẫn dắt "Tam sư".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn