MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giấc mơ World Cup của bóng đá Trung Quốc xa vời vì COVID-19

VIỆT HÙNG LDO | 04/06/2022 16:52
Chinese Super League chuẩn bị trở lại vào cuối tuần này nhưng những gì COVID-19 để lại trong 2 năm qua đã khiến giấc mơ World Cup của người Trung Quốc ngày một trở nên xa vời.

Năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chia sẻ 3 mục tiêu của bóng đá nước này: Được dự World Cup thêm nhiều lần nữa (lần gần nhất và duy nhất đến nay là 2002), được đăng cai một vòng chung kết và cuối cùng là nâng cao danh hiệu vô địch.

Sau 11 năm, mục tiêu đầu tiên vẫn còn rất xa vời khi Trung Quốc không vượt qua được vòng loại thứ 3 Châu Á và tiếp tục lỡ hẹn thêm ít nhất 4 năm nữa để có lần tiếp theo đến với sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh. Chỉ có mục tiêu thứ 2 là khả dĩ bởi có thể siêu cường này sẽ chạy đua để đăng cai vòng chung kết năm 2030.

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc khiến các hoạt động thể thao, đặc biệt là bóng đá bị đình trệ trong thời gian qua. Một số ví dụ như giải Vô địch Đông Á giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc) được chuyển sang tháng 4.2023. Asian Games Hàng Châu 2022 vừa bị hủy và cũng sau đó không lâu, Trung Quốc cũng xin rút lại quyền đăng cai Asian Cup 2023. Có thể thấy, đại dịch đã khiến các hoạt động bóng đá bị đình trệ hoàn toàn ở Trung Quốc.

Nói về ảnh hưởng của đại dịch với bóng đá Trung Quốc, nhìn vào câu lạc bộ Guangzhou Evergrande là đủ để hình dung cả bức tranh. Từng là thế lực hàng đầu của giải vô địch quốc gia (CSL), Quảng Châu Evergrande đã vô địch CSL 8 lần, giành 2 danh hiệu châu lục từ 2011 đến 2019.

Khi COVID-19 xuất hiện, mọi thứ bỗng vỡ vụn. Tập đoàn Evergrande vỡ nợ với con số kinh hoàng (gần 300 tỉ USD). Bóng đá chỉ là phần nhỏ của Evergrande nhưng sức ảnh hưởng vẫn quá lớn, kéo theo nhiều đội khác.

Đầu năm 2021, nhà vô địch Jiangsu Suning giải thể, kéo theo việc Inter Milan cũng bị cắt chi phí (do có chủ sở hữu là tập đoàn Jiangsu). Người hâm mộ không thể quên hình ảnh thuyền trưởng Chang Woe-ryong khóc khi nói về những khó khăn ông và các cầu thủ đã trải qua, đặc biệt là chuyện nợ lương.

CSL thường bắt đầu vào tháng 2 hàng năm. Năm nay, giải dự kiến sẽ khởi tranh vào tháng 4 nhưng cuối cùng phải đến tuần đầu tiên của tháng 6 mới chạy được. Khi CSL quay lại, người hâm mộ Trung Quốc sẽ ít thấy các ngoại binh hơn vì đa phần họ đã tháo chạy. Chỉ còn một số người thuộc dạng có tên tuổi như Paulinho vẫn ở lại trong 2 năm qua. Ngoại binh nổi tiếng nhất thực sự còn ở lại và phấn đấu là Oscar nhưng có thể anh chưa ra sân trong giai đoạn đầu của CSL năm nay.

Tác động của COVID-19 khiến 2 trong số 4 đội của CSL được quyền đá AFC Champions League đã rút lui. Họ lo ngại nếu ra nước ngoài đá ở thời điểm này, khoảng thời gian cách ly đi và về có thể khiến nhỡ mất màn khởi tranh CSL 2022. Những đại diện còn lại vẫn gửi quân đi đá là Guangzhou và nhà vô địch Shandong nhưng chỉ là đội trẻ. Kết quả, họ chỉ ghi được 4 bàn và thủng lưới tới 48 lần.

CSL vốn đang khó khăn lại bị hoãn tới 4 tháng so với thời gian khởi tranh hàng năm càng khiến các lịch tập trung đội tuyển bị ảnh hưởng. Cùng với đó, việc cầu thủ lâu không được đá bóng khiến công việc tại câu lạc bộ bị ảnh hưởng và có lên tuyển cũng không giữ được phong độ.

Với tình hình hiện tại, phải chăng chỉ đến khi Trung Quốc giành quyền đăng cai World Cup, bóng đá quốc gia này mới trở lại ngày hội lớn nhất hành tinh?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn