MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Man City thành công nhưng có bền vững hay không là câu chuyện khác. Ảnh: AFP

Giàu có và giành cú ăn ba nhưng Man City vẫn lo bị phạt tài chính

VIỆT HÙNG LDO | 16/11/2023 17:13

Man City đang là câu lạc bộ thành công nhất nước Anh nhưng sự hào nhoáng đã có trong vài mùa giải đã qua có thể không đem lại cho họ một nền tảng bền vững trên chính sở trường tài chính của họ.

Theo Telegraph, mùa vừa rồi Man City có lợi nhuận 80,4 triệu bảng sau cú ăn ba vĩ đại. The Citizens đáng lẽ phải trở thành hình mẫu về thành công trên sân cỏ và tài chính cho 19 đội Premier League còn lại. Thế nhưng, họ đang đứng trước viễn cảnh trở thành tấm gương xấu về mô hình hoạt động.

Mức lợi nhuận của Man City sau mùa giải 2022-2023 được báo cáo tăng gấp đôi so với mùa giải 2021-2022. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, chưa khi nào câu chuyện về sự bền vững tài chính của họ thôi được nhắc tới. 115 cáo buộc từ ban tổ chức Premier League nhắm vào các nguyên tắc bền vững tài chính của The Citizens như thứ vũ khí chống lại toàn bộ giới thượng tầng ở Etihad. Hiện tại, phía Premier League vẫn quyết "làm tới bến" còn 19 câu lạc bộ khác đang chờ đợi xem có biến cố gì xảy ra. Không có đội nào nhân thời điểm này để chơi khăm nhà đương kim vô địch.

"Đó là năm vĩ đại nhất với câu lạc bộ trong lịch sử cả về bóng đá và thương mại", đây là những lời được chủ tịch Khaldoon Al-Mubarak miêu tả về chiến dịch lịch sử 2022-2023. 14 năm kể từ khi ông chủ Sheikh Mansour mua lại một đội bóng tầm trung ở Premier League đang gặp khó khăn về tài chính và có xu hướng tự hủy, quá trình "hóa rồng" cuối cùng đã hoàn tất.

Không rõ trong 14 năm đó, các ông chủ UAE đã đổ bao nhiêu tiền vào Man City nhưng nó có thể bằng hoặc lớn hơn những gì Chelsea từng nhận được dưới thời Roman Abramovich hoặc PSG dưới triều đại của Nasser Al-Khelaifi.

Bộ ba danh hiệu vĩ đại của Man City trong mùa giải 2022-2023. Ảnh: Independent

Mùa vừa rồi, doanh thu tổng của Man City là 712,8 triệu bảng, cao nhất trong lịch sử với một đội bóng Anh, bao gồm thu nhập từ hoạt động thương mại là 341,4 triệu bảng. Cùng thời điểm công bố số doanh thu kỉ lục này, Man City dính phải cáo buộc gian lận tài chính trong 9 mùa giải, từ 2009-2010 đến 2017-2018.

3 đội kiếm được doanh thu từ thương mại nhiều nhất trong mùa giải vừa rồi là Man City, Real Madrid và Liverpool. Trong bối cảnh các ngôi sao của sân Etihad nhận lương rất cao, lợi nhuận đó giúp họ dễ thở hơn khi phải thanh toán hóa đơn tiền lương. Tuy nhiên, khi các mũi dùi về công bằng tài chính vẫn đang hướng vào, The Citizens có chăng nên tìm cách kìm hãm dần những con số này?

Đúng vậy, những ngôi sao đến với sân Etihad giờ đây đều thuộc "hạng trung" về đẳng cấp và Pep Guardiola buộc phải biến họ trở thành những ngôi sao. Manuel Akanji, Mateo Kovacic, Nathan Ake, Matheus Nunes,... đều là những ngôi sao không tầm cỡ nhưng vẫn được đưa về Etihad. Họ dần dần sẽ trở thành trụ cột và nhận lương không cao như Kevin De Bruyne, Erling Haaland hay Rodri. Man City đang gầm vang như một con sư tử hùng mạnh nhưng phía sau đó, họ cũng phải căn ke từng chút một vì sợ một ngày, mọi thứ có thể "về không" bất cứ lúc nào như Barcelona.

Những ngôi sao nhận lương trên trời như Erling Haaland sẽ ngày càng ít tại Etihad. Ảnh: Champions League

Năm 2023 thật tuyệt vời chuẩn bị qua đi, Man City sẽ đối diện với năm 2024 đầy sóng gió trên thương trường và trước tòa án vì các vụ kiện tụng và cáo buộc gian lận. Sau 12 tháng nữa, khi chuẩn bị bước sang năm 2025, không rõ tình hình của họ lúc đó sẽ ra sao?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn