MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hậu vệ tuyển Thái Lan - Theerathon Bunmathan và "sở thích" chơi cùi chỏ

MINH TRIẾT LDO | 02/01/2022 07:25
Theerathon Bunmathan chuyên "đóng vai ác" trên sân cỏ, và Quang Hải hay Xuân Mạnh cũng từng là "nạn nhân" của tuyển thủ Thái Lan này. 

"Vết gợn" trong hành trình vô địch của Thái Lan

Những phút cuối trận chung kết lượt về AFF Cup 2020 trên sân vận động quốc gia Singapore, khi Thái Lan hòa 2-2 trước Indonesia và chắc chắn có chức vô địch (thắng 4-0 ở lượt đi), Theerathon Bunmathan lại hành động xấu xí không đáng có. Hậu vệ trái 31 tuổi có pha đánh nguội Egy Maulana và nhận thẻ vàng.

Xét lại tính thời điểm và hoàn cảnh, khi trận đấu đã được định đoạt, pha đánh nguội của Theerathon gần như không có bất cứ nghĩa lý gì với kết quả thắng bại. Nếu xâu chuỗi cùng với 2 pha cùi chỏ với Quang Hải (ở bán kết lượt đi) và Xuân Mạnh (ở bán kết lượt đi), rất khó để giải thích rằng "tất cả chỉ là cảm xúc nhất thời". Trong bất cứ tình cảnh nào, dù trận đấu đang giằng co hay đã an bài, Theerathon vẫn chơi xấu và dường như điều đó đã đi vào tiềm thức.

Phải nói rằng cầu thủ đang thi đấu tại J.League là một trong những hậu vệ tốt nhất Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại. Kỹ năng chơi bóng của anh không cần bàn cãi. Tuy nhiên, cách chơi "chân tay miệng" từng khiến Quang Hải hay Xuân Mạnh phải ôm mặt mếu máo mang rủi ro cao. Nếu VAR hiện diện tại AFF Cup 2020 hay trọng tài nặng tay hơn trong các pha "đánh nguội" của Theerathon với Quang Hải, Xuân Mạnh và Egy, đó hoàn toàn có thể là tấm thẻ đỏ. Và tuyển Thái Lan có thể gặp rắc rối.

Không thể phủ nhận sức mạnh vượt trội của tuyển Thái Lan tại AFF Cup 2020. Họ xứng đáng là tân vương của giải đấu, nhưng hành trình lên ngôi ít nhiều có những vết gợn, bởi sự xấu xí không cần thiết trong phong cách chơi bóng của Theerathon.

Thói quen xấu của Theerathon 

Phong cách mỗi cầu thủ mỗi khác. Việc Theerathon lựa chọn "đóng vai ác" trong một trận bóng cũng không phải điều gì đáng lên án, dù phần đông không ai muốn thấy bóng đá bạo lực. Tuy nhiên, để nhìn nhận về thói quen "gác tay lên mặt" đối phương, cần hiểu đúng tư duy trong bóng đá của hậu vệ 31 tuổi.

Thực tế, Theerathon Bunmathan đến với bóng đá là vì muốn gia đình giảm áp lực phải nuôi nấng. Anh vào trường với kỹ năng chơi bóng kém hơn "lứa bạn có đam mê" nên luôn dốc sức để tập thêm, vượt lên phía trước và thoát nghèo. Do đó,  có thể hiểu Theerathon chơi bóng để tìm kết quả chiến thắng chứ không phải tận hưởng trận đấu.

Từ đó, người ta hiểu hơn về phong cách có phần bạo lực của ngôi sao J.League. Lật ngược lại 10 năm trước, khi là cầu thủ trẻ của tuyển Thái Lan đối đầu Saudi Arabia ở vòng loại World Cup 2014, Theerathon đã "chào sân" với tấm thẻ đỏ. Chỉ 3 ngày sau, khi thuộc thành phần đội U23 đá SEA Games 26, anh lại một lần nữa bị đuổi khỏi sân ở trận gặp Indonesia.

Chính truyền thông Thái Lan cũng từng chỉ trích lối đá bạo lực của Theerathon Bunmathan gây ảnh hưởng đến kết quả toàn đội. Tuy nhiên, rất khó để phủ nhận tài năng và những nỗ lực của hậu vệ này. Việc trụ lại được môi trường J.League đủ cho thấy đẳng cấp của Theerathon. Tuy nhiên, anh không thay đổi nhiều ở khoản "tiểu xảo" và vẫn là "quả bom nổ chậm" ở mọi đội bóng chủ quản.

Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2013 tới nay Theerathon đã lĩnh đến 6 thẻ đỏ cùng rất nhiều thẻ vàng ở cấp độ câu lạc bộ. Có những pha vào bóng quyết liệt, nhưng phần nhiều trong số lỗi là "đánh nguội". Đó là một thói quen xấu và Theerathon có lẽ cũng nên nhìn nhận lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn