MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 2 kỳ chuyển nhượng của mùa 2022-2023, Chelsea đã đầu tư gần 600 triệu bảng. Ảnh: Sky Sports

Man City bị cáo buộc vi phạm tài chính, Chelsea có lo?

TAM NGUYÊN LDO | 09/02/2023 14:34

Không lâu sau khi Chelsea bỏ hơn 300 triệu bảng mua cầu thủ, Man City nhận đến hơn 100 cáo buộc vi phạm tài chính…

Bóng đá Anh đang xôn xao về chuyện câu lạc bộ Manchester City bị cáo buộc vi phạm đến 115 quy định về tài chính suốt từ năm 2009 đến 2018. Đây mới là cáo buộc đưa ra sau cuộc điều tra được tiến hành, chưa có kết luận chính thức nào cả, nhưng giới truyền thông đã vẽ ra nhiều viễn cảnh tồi tệ dành cho The Citizens.

Nhiều đội bóng ở xứ sở sương mù đang “tranh thủ” hùa vào để vùi dập đội bóng nhà giàu, nhưng bên cạnh đó, cũng có những đội có thể cảm thấy lo. Như Chelsea chẳng hạn.

Tính từ mùa hè năm ngoái đến khi kết thúc tháng 1 vừa qua, Chelsea đã đầu tư gần 600 triệu bảng để mua cầu thủ. Khoản chi này có thể khiến họ vi phạm luật Công bằng tài chính (FFP) mới vào mùa giải tới.

Khả năng vướng vào xung đột pháp lý sẽ còn tăng cao hơn nếu The Blues không đủ điều kiện tham dự Champions League mùa tới, như vị trí hiện tại của họ (thứ 9) tại Premier League.

Trong khi Man City của Pep Guardiola đang khốn khổ, Chelsea lại tiêu tiền không tiếc. Ảnh: EPL

Nếu điều đó xảy ra, gần như họ không thể không vi phạm các quy tắc trừ khi giảm tải vào mùa hè này để thu hẹp hóa đơn tiền lương và tăng thu nhập chuyển nhượng từ 150 triệu bảng lên 200 triệu bảng.

Các quy tắc FFP mới của UEFA quy định rằng, từ mùa giải tới, số tiền mà một câu lạc bộ thực chi cho việc mua cầu thủ (chi tiêu trừ thu nhập), cộng với tiền lương, phí đại diện, không được vượt quá 90% thu nhập của bất kỳ câu lạc bộ nào.

Chi tiêu theo thuật ngữ kế toán được khấu hao theo thời hạn hợp đồng của cầu thủ, do đó, một cầu thủ trị giá 100 triệu bảng ký hợp đồng trong 8 năm chỉ được tính là 12,5 triệu bảng một năm. Nhưng ngay cả với cách hạch toán sáng tạo này, chi tiêu của Chelsea vẫn rất lớn, với khoản khấu hao trong những năm tới lên tới hơn 200 triệu bảng mỗi năm.

Hóa đơn tiền lương là 357 triệu bảng mùa trước và với tất cả những người mới đến, con số có thể đạt hơn 400 triệu bảng trong mùa tới. Thêm phí cho người đại diện mà trong những năm gần đây có giá từ 25 triệu bảng đến 30 triệu bảng và chi phí chính của Chelsea, theo FFP có thể đạt từ 600 triệu đến 650 triệu bảng.

Các số liệu tài chính của mùa trước cho thấy thu nhập của Chelsea, trong một mùa giải mà họ kết thúc ở vị trí thứ 3, lọt vào 2 trận chung kết trong nước, lọt vào vòng 8 đội mạnh nhất của Champions League và vô địch Club World Cup, là 481,3 triệu bảng.

Chiều sâu đội hình Chelsea lúc này. Ảnh chụp màn hình 

Nói cách khác, một mùa giải thành công, với vị trí cao trên bảng xếp hạng và tiến sâu trên mọi đấu trường, vẫn không giúp họ đạt doanh thu 500 triệu bảng.

Nếu họ bỏ lỡ Champions League mùa giải tới, rất có thể tổng doanh thu của họ sẽ giảm xuống khoảng 400 triệu - 450 triệu bảng.

Ngay cả khi giả định mức thu nhập cao hơn, chi phí của họ về tiền lương, khấu hao và phí đại lý sẽ không được phép lớn hơn 405 triệu bảng để tuân thủ các quy tắc. Vì vậy, 600 triệu bảng sẽ gây rắc rối nếu không có sự sáng tạo trong kế toán hoặc loại bỏ những người có thu nhập cao khỏi sổ sách một cách nhanh chóng.

Đội hình của Chelsea hiện đang rất cồng kềnh, với 34 cầu thủ đội một trong sổ sách của họ, so với mức trung bình điển hình của Premier League là 25 đến 28. Và con số đó thậm chí còn chưa bao gồm 20 cầu thủ được cho mượn, bao gồm cả những ngôi sao như Romelu Lukaku.

Một giải pháp để giảm những khoản phí đáng kể là bán đi những Romelu Lukaku, Ruben Loftus-Cheek, Conor Gallagher, Hakim Ziyech và Pierre-Emerick Aubameyang và một số cầu thủ hiện đang được cho mượn ở nơi khác.

Nhưng một số trong số đó có mức lương mà ít câu lạc bộ đáp ứng, khiến nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn