MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Goal

Man City tự tin chờ phán quyết của CAS và nghịch lý "công bằng tài chính"

HOÀI MINH LDO | 11/07/2020 18:09

Vào thứ Hai tới (13.7), Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS) sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về kháng cáo án phạt cấm thi đấu tại cúp Châu Âu của Man City.

Man City tự tin chờ phán quyết

Hồi tháng 2 vừa qua, The Citizens đã nhận lệnh cấm thi đấu cúp Châu Âu trong vòng 2 năm cùng 30 triệu Euro tiền phạt từ UEFA do vi phạm nghiêm trọng luật công bằng tài chính (FFP). Đây có thể coi là án phạt nặng tay đối với Man City trong tham vọng lên đỉnh Châu Âu. 

Suốt khoảng thời gian qua, nửa xanh thành Manchester đã nỗ lực tìm bằng chứng để tìm cách thay đổi án phạt. Phiên điều trần tranh tụng giữa đại diện Man City và đại diện UEFA đã kết thúc sau 3 ngày (8-10.6) diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Phiên tòa được kết nối giữa Tòa án Thụy Sỹ, các luật sư ở Anh và nhiều nhân chứng tại các quốc gia khác. Phía CAS nhấn mạnh, các bên đều cho thấy sự hài lòng với các nguyên tắc luật được đề ra.

Phía đại diện và các luật sư Man City từng rất mạnh miệng khẳng định nắm trong tay "bằng chứng không thể bác bỏ" chống lại quyết định của UEFA. Thậm chí, họ không chỉ đưa ra hồ sơ chứng minh sự trong sạch trong các vấn đề tài chính, mà còn kiện ngược UEFA đã có sự "thù ghét" riêng. 

Ferran Soriano và Pep rất tự tin "trắng án". Ảnh: PA

Sau phiên điều trần hồi tháng 6, Giám đốc điều hành Man City - Ferran Soriano khẳng định sự tự tin trong việc kháng cáo lệnh cấm nhằm xóa bỏ hoặc giảm về mức phạt tối thiểu.

Trong buổi họp báo trước trận đấu với Brighton ở vòng 35 Premier League mới đây, huấn luyện viên Pep Guardiola cũng chia sẻ tin chắc Man City sẽ dự Champions League mùa tới bởi câu lạc bộ có những lập luận sắc đáng. 

Nghịch lý "công bằng" của FFP

Trong trường hợp Man City không được giảm án phạt, những hệ lụy về kinh tế, nhân sự và cả tiềm lực đã được nhắc đến rất nhiều. Nhưng nếu kháng án thành công, đây sẽ chiến thắng bước ngoặt của "những kẻ nhà giàu", đồng thời đẩy hệ lụy về phía UEFA.

Đầu tiên, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá Châu Âu sẽ bị giảm uy tín trầm trọng bởi những vụ việc như này không phải lần đầu. Trên thực tế, PSG, AC Milan đều từng vi phạm FFP. Song, đội bóng nước Pháp chỉ bị phạt tiền tượng trưng, Rossoneri còn xin chủ động "xin vắng mặt" ở Europa League 2019/20 để dễ bề chi tiêu. Các đội bóng bị tổn thương nhiều bởi luật này thông thường lại có quỹ tài chính hạn chế như: Malaga (2011/12), Galatasaray (2015/16), Porto (2017/18),... 

Đội nhỏ như Malaga lại bị phạt nặng. Ảnh: Getty 

Nhìn vào sự việc lần này, nhiều người sẽ phải suy ngẫm về sự nghiêm túc của UEFA và luật công bằng tài chính. Liệu tất cả đã xứng với 2 chữ "công bằng"?

Về bản chất, FFP có rất nhiều nghịch lý và không được lòng Chủ tịch đương nhiệm UEFA Aleksandr Ceferin. Luật Công bằng tài chính được sinh ra nhằm cân đối giữa lợi nhuận và khoản đầu tư, kiểm soát dòng tiền chảy vào bóng đá, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các đội bóng. Nói đơn giản, không để các ông bầu vung tiền giúp đội bóng lên đời mà không có căn bản. Tuy nhiên, đây cũng chưa hẳn là công bằng.

Trông chờ làm ra lợi nhuận đủ ngang với sức đầu tư cần cả quá trình bài bản. Như vậy, các đội bóng nhỏ ít danh tiếng, khó kiếm tài trợ dù cho có tìm được ông bầu "đủ tầm" cũng không dám mạnh tay "lên đời". Đó là một nghịch lý thiếu công bằng.

Newcastle liệu có dám vung tiền nếu được Thái tử Salman đầu tư? Ảnh:Goal

Mặt khác, UEFA "nương tay" khi phạt các đội bóng lớn nhiều sao cũng bởi Champions League hay Europa League cần sự có mặt của họ. Thiếu đi những "ống lớn", giải đấu cúp sẽ mất đi nhiều tính hấp dẫn và lượng theo dõi. Đó cũng là cơ sở khiến nhiều người tin tưởng Man City sẽ được nhẹ tội hoặc "trắng án".

Phải khẳng định rằng, án phạt cấm đá cúp Châu Âu đến 2 năm cùng 30 triệu Euro là mức nặng, có thể coi là "án điểm" răn đe cho tất cả. Tuy nhiên, trước thế của Man City, UEFA có thể thực thi hay không lại là câu chuyện khác.

Giới chủ Man City có mối quan hệ rộng. Ảnh: PA

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn