MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các quy tắc tài chính có thể làm khó Ten Hag trong hè này. Đồ họa: Văn An

Man United có thể vỡ mộng bởi các quy tắc tài chính

Văn An LDO | 04/03/2023 16:44

Tài chính có thể trở thành rào cản trong quá trình phục hưng của Man United bởi sự sa sút về giá trị thương mại và các hợp đồng tài trợ. 

Theo truyền thông Anh, Manchester United dự kiến sẽ tuân thủ các quy định về Luật công bằng tài chính (FFP) trong năm nay. Đồng nghĩa, kế hoạch chuyển nhượng của huấn luyện viên Erik ten Hag có thể bị ảnh hưởng.

Con đường trở lại đỉnh cao của Man United luôn rình rập những mối nguy hiểm. Họ phải đối mặt với một số trở ngại trong mùa hè này, bao gồm sự khó khăn trong việc tuân thủ FFP.

Ngay cả khi chủ sở hữu mới đến thay thế gia đình Glazer, Man United cũng sẽ bị ảnh hưởng khi đã vắt kiệt ngân sách chuyển nhượng trong những năm qua.

Man United chuẩn bị đối đầu với Liverpool với mục tiêu giành chiến thắng tại Anfield lần đầu tiên kể từ tháng 1.2016. Cổ động viên M.U có niềm tin bởi họ đang ở vị thế cao hơn đối thủ sau gần 1 thập kỷ.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Man United và Liverpool hiếm khi thành công cùng một thời điểm. Khi một đội gặt hái thành công, đội còn lại thường trải qua một thời gian dài biến động. 

"Quỷ đỏ" chấm dứt 6 năm "hạn hán" danh hiệu với chức vô địch Carabao Cup mới đây. Cùng lúc này, The Kop đang có những dấu hiệu suy thoái.

Nhưng chưa có gì đảm bảo Man United sẽ thành công. Hiểu đơn giản, họ cần nâng cấp đội hình bởi những con người hiện tại chưa đảm bảo cho mục tiêu dài hạn. 

Trước hết, Man United cần đẩy đi những cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch và giảm tải quỹ lương. Đội trưởng Harry Maguire, Victor Lindelof, Scott McTominay và Anthony Martial đều có thể ra đi. Trong khi đó, thủ thành David de Gea - người sẽ hết hạn vào hè này, được thông báo phải giảm đáng kể lương nếu muốn ở lại.

Nhóm thương mại, do Giám đốc điều hành Richard Arnold đứng đầu, phải tiếp tục tìm kiếm thêm các dòng doanh thu cho câu lạc bộ. Về cơ bản, Man United càng tạo ra nhiều doanh thu, họ càng có thể chi nhiều tiền để cải thiện đội hình.

Kể từ khi đạt mức cao nhất là 363,1 triệu bảng vào năm 2018, thu nhập hàng năm của M.U giảm xuống còn 313,5 triệu bảng vào năm 2022. Tương tự các câu lạc bộ khác, Man United phải vượt qua những tác động của COVID-19, nhưng không thể phủ nhận, doanh thu của họ đang đi xuống.

Vào năm 2021, Man United đồng ý ký hợp đồng tài trợ áo đấu 5 năm với TeamViewer trị giá 47 triệu bảng/năm. Đây là sự sụt giảm đáng kể so với thỏa thuận 64 triệu bảng 1 năm trước đó với Chevrolet.

Man United cũng chưa có đối tác hàng không sau khi hủy hợp đồng với Aeroflot. Tất nhiên, 5 triệu bảng không phải con số lớn với câu lạc bộ tầm cỡ như Man United, nhưng khi cộng với sự sụt giảm ở nhiều khía cạnh khác sẽ tạo ra "lỗ hổng" lớn. Đặc biệt là khi hóa đơn tiền lương ở Old Trafford tăng vọt lên mức cao kỷ lục 384 triệu bảng vào năm ngoái.

Khả năng kiếm tiền của Man United giảm đáng kể bởi doanh thu thương mại giảm, lương cầu thủ leo thang cùng thành tích bết bát.

Mùa giải 2025-2026, các quy định mới của UEFA sẽ hạn chế các câu lạc bộ chi 70% tổng doanh thu cho phí chuyển nhượng và tiền lương. Mùa này, con số đó là 100% doanh thu, giảm thêm 10% mỗi năm.

Trong khi đó, Man United dự báo tổng doanh thu mùa giải năm nay trong khoảng từ 590 triệu đến 610 triệu bảng. Bởi vậy, họ khó có thể lặp lại khoản chi 229 triệu bảng như mùa hè năm ngoái. Ngoài ra, M.U còn các khoản nợ chuyển nhượng chưa thanh toán.

Man United cũng không thể đi theo con đường ký hợp đồng dài hạn với các tân binh như Chelsea để phân bổ chi phí. UEFA sẽ có các quy định nhằm tránh việc các câu lạc bộ "lách" luật. 

Tóm lại, không chỉ vấn đề chuyên môn, Man United còn phải đối mặt với bài toán tài chính hóc búa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn