MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Man United - Khi VAR không phải chính xác 100% nhưng cần thiết

MINH TRIẾT LDO | 23/09/2021 19:18
2 trận đấu liên tiếp giữa Man United và West Ham, câu chuyện VAR cùng những tình huống nhạy cảm phân định penalty thường xuyên được nhắc đến.

Chỉ trong vòng 4 ngày, Man United nhận về 1 trận thắng và 1 trận thua trước West Ham. Kết quả có sự trái ngược nhưng điểm chung là thầy trò huấn luyện viên Ole Solskjaer thường không hài lòng với các quyết định phân xử penalty của trọng tài.

VAR chưa chắc đã đúng

Ngay cả khi giành phần thắng tại vòng 5 Ngoại hạng Anh, Ole Solsa vẫn phải than trách trọng tài có thể đã bỏ lỡ 2-3 quả phạt đền hợp lệ cho Man United. Vị chiến lược gia người Na Uy khẳng định Ronaldo thường xuyên bị hậu vệ đối phương phạm lỗi trong vòng cấm nhưng trọng tài Martin Atkinson không xem lại bất kỳ pha bóng nào.

Mũi dùi có thể hướng về phía trọng tài chính nhưng cũng không thể bỏ qua vai trò của tổ VAR. Một trong những công dụng nổi bật của công nghệ hỗ trợ video là để khuyến cáo trọng tài xem xét và xác định tình huống dẫn đến quả phạt. Thế nhưng, ngay ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, khi VAR được áp dụng, những sai sót vẫn xảy ra.

Cả 2 cựu danh thủ Rio Ferdinand và Alan Shearer đều tin rằng trọng tài Atkinson đã mắc quá nhiều sai lầm, gây bất lợi với cả Man United và West Ham. "Tôi không hiểu làm thế nào mà họ lại không thể thực hiện quả phạt đền đó, ngay cả đã có VAR. Làm thế nào mà họ lại từ chối phạt đền được thế?", Ferdinand thốt lên đầy kinh ngạc.

Tờ The Times trích dẫn cuộc họp của Ủy ban trọng tài Ngoại hạng Anh, xác nhận Ronaldo xứng đáng có phạt đền và West Ham cũng bị trượt 1 tình huống penalty. Những người có mặt tại cuộc họp cho rằng VAR nên hướng dẫn Atkinson xem lại sự cố trên màn hình trên sân bởi đã có va chạm.

Lỗi đến từ cả trọng tài và tổ công nghệ hỗ trợ. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Tại sao VAR không nhắc nhở trọng chính? Có thể, chính tổ trợ lý cũng nhận định đó không phải là những tình huống đáng nhận penalty. Không có lời giải thích từ tổ VAR nhưng đây cũng là bằng chứng cho thấy hiệu quả của công nghệ không chắc đạt 100%.

Nhưng vẫn cần VAR

Thời điểm VAR mới áp dụng vào bóng đá chuyên nghiệp, khẩu hiệu hành động được đưa ra là "minimum interference – maximum benefit" (tạm dịch: can thiệp tối thiểu – hiệu quả tối đa). Công nghệ hỗ trợ được sáng tạo nhằm mục đích mang lại sự công bằng cho các đội thi đấu. Sau 10 năm ra đời, áp dụng, VAR trên cơ cơ bản vẫn mang về nhiều lợi ích hơn là những tác hại.

Khi không có VAR, cũng chính Man United đã phải "nếm trái đắng" trước West Ham ở vòng 3 Cúp Liên đoàn Anh. Ole Solskjaer tức tối nói về việc đội bóng của ông đã bị từ chối một quả phạt đền rõ ràng khi Mark Noble kéo ngã Jesse Lingard trong vòng cấm. Tình huống mười mươi nhưng góc quan sát của trọng tài chính không tốt còn VAR không được áp dụng tại League Cup cho đến vòng bán kết.

Đấu trường Cúp Liên đoàn vốn không được đánh giá cao, nên dù đã áp dụng VAR từ mùa giải 2018-19 nhưng chỉ được sử dụng ở bán kết và chung kết. Man United cũng không phải đội đầu tiên chịu thiệt thòi vì các giải đấu không có VAR.

Thực trạng chỉ ra rằng, VAR là sự tiến bộ cần thiết đối với bóng đá. Tuy nhiên, khả năng can thiệp và phối hợp giữa trọng tài chính và tổ trợ lý vẫn cần cải thiện. Nếu ai còn nghi ngờ tính ứng dụng của VAR và tầm quan trọng của các trợ lý phòng máy, cứ nhìn vào Man United sẽ rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn