MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính sách chuyển nhượng của Erik ten Hag tại Man United đang tỏ ra thiếu hiệu quả. Ảnh: Goal

Man United không thể để Ten Hag tiếp tục "Hà Lan hóa" Old Trafford

An An LDO | 21/11/2023 17:44

Phần lớn các bản hợp đồng của Ten Hag tại Man United đều từng chơi bóng ở Hà Lan và điều này ít nhiều đang kìm hãm sự đi lên của "Quỷ đỏ".

Manchester United tuyển dụng khoảng 140 tuyển trạch viên làm việc trên khắp thế giới. Kể từ khi Erik ten Hag lên làm huấn luyện viên tại Old Trafford, các tuyển trạch viên ở Hà Lan là những người bận rộn nhất.

Trong số 13 cầu thủ mà Man United đã chiêu mộ từ khi Ten Hag đến, dù là dưới dạng cho mượn hay hợp đồng vĩnh viễn, thì 8 cầu thủ đã từng chơi bóng ở Hà Lan. 3 trong số đó (Antony, Lisandro Martinez và Tyrell Malacia) gia nhập trực tiếp từ Eredivisie, trong khi Andre Onana cũng dành phần lớn sự nghiệp ở đây.

Christian Eriksen cũng bắt đầu sự nghiệp tại Ajax và trải qua 5 năm trước khi nổi lên tại Premier League. Điều tương tự cũng xảy ra với Mason Mount, người đã trải qua một mùa giải với Vitesse.

Sau đó là Wout Weghorst, người bắt đầu sự nghiệp ở quê hương Hà Lan nhưng chuyển đến Wolfsburg ở Bundesliga vào năm 2018. Cuối cùng là Sofyan Amrabat, người đã trưởng thành ở Utrecht và chơi dưới thời Ten Hag trước khi chuyển sang Feyenoord và sau đó là Club Brugge. Hè này, anh gia nhập "Quỷ đỏ" từ Fiorentina theo dạng cho mượn.

Hà Lan có lịch sử bóng đá phong phú, sản sinh ra nhiều ngôi sao và huấn luyện viên giỏi, và Man United có mối liên hệ sâu sắc với đất nước này. Mối quan hệ với các đội bóng ở Hà Lan bắt nguồn từ Arnold Muhren vào những năm 1980. Sau đó được củng cố nhờ những thành công vang dội của Ruud van Nistelrooy, Jaap Stam và Robin van Persie, cũng như 2 năm đầy màu sắc của Louis van Gaal.

Ten Hag là sự tiếp nối của mối quan hệ lâu dài và gần như thành công này. Tuy nhiên, xu hướng rõ ràng của Ten Hag với những cầu thủ từng chơi ở Eredivisie đã vượt quá giới hạn. Và với những khó khăn mà Man United đang gặp phải, có rất nhiều bằng chứng cho thấy chính sách chuyển nhượng này không hiệu quả.

Mason Mount từng có thời gian thi đấu ở Eredivisie. Ảnh: AFP

Eredivisie từ lâu đã tụt hậu so với 5 giải đấu hàng đầu châu Âu (Premier League, Bundesliga, La Liga, Serie A và Ligue 1). Từ mùa giải 2016-2017 đến 2018-2019, Eredivisie bị UEFA xếp hạng ngoài Top 10.

Eredivisie đã lấy lại vị thế trong 3 năm qua, vươn lên xếp thứ 6 vào mùa trước, nhưng vẫn là điều bất thường khi Man United đang quá phụ thuộc. Rõ ràng, vẫn có những sự nghi ngờ về trình độ của các cầu thủ ở đây. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số bản hợp đồng đã gặp khó khăn trong việc hòa nhập với Premier League.

5 bản hợp đồng của Man United vào năm 2022 đều đến trực tiếp từ Eredivisie, và Martinez là cầu thủ duy nhất thích nghi tốt với cuộc sống ở Premier League, bất chấp những lo ngại ban đầu về chiều cao. Cầu thủ người Argentina đã bù đắp cho sự thiếu tầm vóc nhờ bộ kỹ năng ấn tượng. Tuy nhiên, chấn thương đã khiến Martinez tụt phong độ ở mùa này.

Lisandro Martinez là cầu thủ hiếm hoi tạo ra dấu ấn nhưng đang liên tục dính chấn thương. Ảnh: AFP

Khi Jim Ratcliffe tiếp tục đánh giá những việc cần làm để giúp đội chủ sân Old Trafford lấy lại vị thế, họ sẽ cần phải chấm dứt chiến lược này.

Ratcliffe đã không ngần ngại khẳng định quyền lực của mình đối với Man United ngay cả trước khi việc sở hữu 25% cổ phần được công bố. Tỉ phú này đã loại bỏ Richard Arnold khỏi vị trí Giám đốc điều hành và chuẩn bị sa thải Giám đốc bóng đá John Murtough.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy, Ratcliffe sẽ vẫn giữ niềm tin với Ten Hag. Chiến lược gia người Hà Lan ít nhiều đã có những dấu ấn trong 18 tháng nắm quyền và cần được phép tiếp tục quá trình nâng cao tiêu chuẩn và kỷ luật của câu lạc bộ. Nhưng Ratcliffe nhất định cần phải tiết chế thói quen sử dụng những cầu thủ liên quan đến Eredivisie của Ten Hag, điều đang kìm hãm đội bóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn