MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Man United muốn quay lại triết lý "xây nhà từ móng"?

GIANG ANH LDO | 20/11/2020 08:23

Đổ cả tỉ bảng vào thị trường chuyển nhượng nhưng Man United lại không thể thành công như những ngày chi tiêu tiết kiệm.

1 tỷ bảng đổi lấy giá trị không xứng tầm

7 năm qua, Phó Chủ tịch Điều hành Ed Woodward, dưới sự ủy quyền của nhà Glazers đã ném vào thị trường chuyển nhượng 1 tỷ bảng. 4 huấn luyện viên và 36 chữ ký nhưng những gì thu lại chỉ là 1 Europa League, 1 FA Cup và 1 League Cup. Trung bình cứ hơn 300 triệu bảng, đổi về một chiếc cúp.

Man United thời Sir Alex có thể ngẩng cao đầu chế giễu người hàng xóm Man City "dùng tiền mua danh hiệu". Nhưng đáng buồn thay, "Qủy đỏ" giờ đây là minh chứng tốt nhất cho việc không phải cứ chi nhiều tiền là có được danh hiệu.

Europa League 2016-2017 là chiếc Cúp lớn nhất mà M.U giành được 7 năm qua. Ảnh: Man United

Câu chuyện tiền bạc đổi về giá trị có lẽ không gói gọn ở danh hiệu. Những cầu thủ M.U mang về có người là siêu sao, có người dạng tiềm năng. Tuy nhiên, không mấy ai trình diễn được phong độ tốt nhất của bản thân. Đến những Di Maria, Falcao, Lukaku, Alexis Sanchez,... cũng đã phải cuốn gói ra đi "không kèn, không trống".

1 tỷ bảng, một con số khổng lồ đủ mua bất kỳ siêu sao nào. Thế nhưng, M.U không mua được mấy ai hữu dụng. Những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Toni Kroos, Cesc Fabregas hay Gareth Bale chối đây đẩy khi nghe về Old Trafford. Đổi lại, "Qủy đỏ mua về những bản hợp đồng không phù hợp nhưng bị đội giá, kiểu như Marouane Fellaini hay Depay.

Chính sách "Giải ngân hà" chỉ có trên lý thuyết, khả năng chuyển nhượng của Man United thời hậu Sir Alex thực sự tệ hại.

Fellaini và Di Maria là bản hợp đồng thất bại. Ảnh: Man United

Tham vọng xây dựng lại văn hóa

Nhìn lại văn hóa "Qủy" dưới thời Sir Alex, danh hiệu không bắt buộc phải đi kèm tiền bạc. "Máy sấy tóc" từng biến Rio Ferdinand thành trung vệ đắt giá nhất thế giới, đưa Rooney lên thành cầu thủ tuổi teen có giá chuyển nhượng cao nhất. Thế nhưng, những năm cuối sự nghiệp, ông xuất sắc vừa giúp M.U "thắt lưng buộc bụng", vừa đảm bảo thành tích.

Một điều nữa không thể phủ nhận ở Sir Alex, đó là mắt nhìn người và khả năng đào tạo. "Thế hệ vàng 92", với những David Beckham, Paul Scholes, Ryan Giggs hay Gary Neville,... một thời giúp Man United rạng danh. Tiếp nối đan xen, những Ronaldo hay Rooney được mang về từ khi còn rất trẻ, dần trở thành những ngôi sao hàng đầu thế giới.

Man United hiện tại có Marcus Rashford, Mason Greenwood cùng nhiều gương mặt tiềm năng nhưng vẫn còn quá ít nếu so cả về lượng và chất. Truyền thống rạng rỡ cùng nhu cầu cấp thiết của bối cảnh khiến "Qủy đỏ" muốn phát triển mạnh hơn mô hình đào tạo, chuyển nhượng cầu thủ trẻ tài năng. Và một trong những nước đi để phục vụ tham vọng này là chèo kéo Overmars và Edwin Van der Sar về Old Trafford.

Overmars và Van der Sar sẽ cải thiện khâu chuyển nhượng của M.U. Ảnh: AFP

Bộ đôi quan chức của Ajax đã phối hợp quá tốt, tạo nên một hệ thống tuyển trạch và đào tạo trẻ xuất sắc khiến bất kỳ câu lạc bộ nào cũng phải nể phục. Overmars đóng vai giám đốc thể thao để cải thiện khả năng chuyển nhượng, còn cựu huyền thoại Van der Sar đảm nhận việc điều hành hệ thống.

So với khả năng "đốt" tiền của Phó chủ tịch Ed Woodward và trưởng bộ phận chuyển nhượng Matt Judge, Overmars cùng Van der Sar được đánh giá cao hơn rất nhiều. Tín hiệu đáng mừng là bộ đôi này đã khẳng định không muốn gắn bó lâu dài với Ajax.

Van der Sar thừa hiểu văn hóa của Man United, đồng thời nhận được sự yêu mến. Overmars cũng quá quen nước Anh, sau nhiều năm thi đấu cho Arsenal. Với khả năng đã được kiểm chứng tại Ajax, đây là cơ hội không thể tốt hơn để M.U nâng cao bộ mặt cũng như chiến lược chuyển nhượng, phát triển cầu thủ trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn