MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Man United và giải pháp hồi phục kinh tế sau COVID-19

MINH TRIẾT LDO | 21/09/2021 20:19

Man United đang đi đúng hướng để phục hồi kinh tế và tiếp tục phát triển dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Bệ đỡ doanh thu truyền hình

Theo báo cáo kỳ 12 tháng tính đến 30.6, Man United đã kiếm được 254,8 triệu bảng từ các đài truyền hình, tăng 81,7% so với năm trước. Tuy nhiên, tổng doanh thu tính đến tháng 6 vẫn giảm từ 509 triệu bảng xuống còn 494,1 triệu bảng. Mức giảm rơi vào khoảng 2,9% được cho là nằm trong vùng "chấp nhận được" do ảnh hưởng của COVID-19.

Thực tế từ năm ngoái, Man United đã sụt giảm 70 triệu bảng trong doanh thu dự kiến, từ 627,1 triệu bảng xuống còn 509 triệu bảng do hậu quả trực tiếp của đại dịch. Do đó, khi báo cáo mới được công bố, đây được xem là mức dao động nhẹ trong bối cảnh chung.

Phó chủ tịch điều hành Man United - Ed Woodward - người sẽ từ chức vào cuối năm 2021- khẳng định đầy tự tin rằng M.U vẫn có thể đứng vững bất chấp "bóng đá nói chung đang phải đối mặt với những thách thức tài chính lớn do nhiều năm lạm phát vật chất về tiền lương và phí chuyển nhượng, thậm chí ngày càng trầm trọng do tác động của đại dịch".

"Chúng tôi cam kết làm việc với ban tổ chức Premier League, ECA và UEFA để thúc đẩy sự bền vững hơn về tài chính ở tất cả các cấp độ bóng đá. Nhu cầu trên toàn cầu về truyền hình trực tiếp đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bằng chứng là sự tăng trưởng của các thỏa thuận bản quyền phát sóng trong nước và quốc tế gần đây, đồng thời nhìn nhận từ mức độ tương tác kỷ lục với nội dung câu lạc bộ của chúng tôi", Ed Woodward chia sẻ.

Dịch COVID-19 khiến nhu cầu xem bóng đá trực tuyến tăng cao. Đó là tình hình chung, là cái lợi chung của cả tất cả các câu lạc bộ. Bản thân Woodward hiểu không riêng M.U có thể tự tạo thành công, chỉ có trở thành một phần của "kim tự tháp bóng đá Anh và Châu Âu" mới là cách phát triển tốt nhất, cũng là cách kiếm tiền tốt nhất.

Người hâm mộ và những ngôi sao

Mùa giải năm ngoái, do các trận đấu không được đón khán giải vì tình hình dịch bệnh, doanh thu trong ngày của Man United giải mạnh từ 89,8 triệu bảng xuống còn 7,1 triệu bảng. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của nguồn doanh thu truyền thống với vé và đồ lưu niệm. Và bây giờ, khi khán giả được trở lại sân đấu, câu lạc bộ càng phải tìm cách lôi kéo khán giả bỏ tiền ra cho các dịch vụ.

Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward cho biết, câu lạc bộ đang rất tự tin về mặt này sau khi ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo trong mùa hè 2021. Nếu xét trên phương diện làm kinh tế, M.U đã "bỏ vốn" khoảng 12,8 triệu bảng ban đầu để đổi lấy sự phục vụ của cựu sao Juventus (có thể tăng lên khoảng 20 triệu bảng sau 5 năm). Đổi lại, họ có một "huyền thoại" để kéo khán giả tới sân và mua đồ lưu niệm.

Một thương vụ nắm chắc phần lãi. Theo thống kê của LovetheSales, chỉ khoảng 1 tuần mở bán, doanh thu bán áo đấu của ngôi sao bóng đá này đã vượt 187,1 triệu bảng, phá kỉ lục Ngoại hạng Anh. Riêng Man United hưởng hoa hồng trị giá 13,1 triệu bảng, nhiều hơn phần vốn đã bỏ ra để chiêu mộ Ronaldo. Tính đến hiện tại, con số chắc chắn vẫn còn tăng bởi phong độ cao của siêu sao người Bồ Đào Nha.

Khán giả cũng đã kéo đến lấp kín sân Old Trafford ở trận Man United tiếp đón Newcastle tại vòng 4, nhờ hiệu ứng "ra mắt Ronaldo". Cùng với hàng loạt ngôi sao mới ký hợp đồng như Raphael Varane hay Jadon Sancho, ông Woodward có lý do để khẳng định "mô hình hoạt động của Man United, với sự đầu tư bền vững vào đội bóng đã được củng cố bởi doanh thu thương mại mạnh mẽ" .

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn