MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Arsenal đã vượt qua cái dớp 14 năm không thể lọt vào tứ kết Champions League. Ảnh: AFP

Một vài điều tương phản của vòng tứ kết Champions League

VIỆT HÙNG LDO | 16/03/2024 19:16

Tối 15.3, 8 đội lọt vào tứ kết Champions League đã biết được đối thủ của mình là ai và đường đến danh hiệu có thể sẽ gặp vật cản nào. 4 cặp đấu đã được chọn đều để lại những sự hứng khởi nhất định dù trái bóng của vòng đấu này đến tháng sau mới lăn.

8 đội lọt vào tứ kết gồm Arsenal, Manchester City, Paris-Saint Germain, Barcelona, ​​Real Madrid, Bayern Munich, Atletico Madrid và Borussia Dortmund. Vị thế, phong độ và cách chơi của tất cả những đại diện này đều có ít nhiều sự khác biệt.

8 đội gắn với 8 chiến lược gia khác nhau. Có những người được coi là bậc thầy về chiến thuật và đang rất sung sức như Pep Guardiola, Mikel Arteta, Luis Enrique hay Carlo Ancelotti. Tuy nhiên, cũng có những người sẵn sàng trong tâm thế rời đi vào cuối mùa là Thomas Tuchel và Xavi. Do đó, có thể người hâm mộ sẽ được chứng kiến những bức tranh tương phản về tâm thế của các chiến lược gia ở vòng tứ kết này.

Tuy nhiên, để có được vòng tứ kết hấp dẫn này, Champions League 2023-24 đã trải qua vòng bảng và vòng 1/8 không mấy ấn tượng. Dễ thấy ở hai vòng trước, sự chênh lệch về trình độ đã ở mức quá lớn. Rất nhiều đội sớm giành vé, tạo khoảng cách quá xa với các đội xếp sau ở vòng bảng. Vào đến vòng 1/8, nhiều đội cũng có những chiến thắng theo kiểu hủy diệt đối phương, chỉ cần xong trận lượt đi đã biết cục diện của cả cặp đấu.

Những màn đấu súng trong cặp trận Arsenal - Porto và Inter - Atletico cũng chỉ hấp dẫn khi hai đội kéo nhau đến màn cân não này. Chiến thắng của Arsenal và Atletico rất vinh quang nhưng để tạo nên kịch bản kịch tính suốt 120 phút trong trận lượt về, không phải đội nào cũng làm được như trận chung kết năm 2008.

Bức tranh trái ngược về cảm xúc sau trận đấu giữa Atletico Madrid và Inter Milan. Ảnh: AFP

Trong các cặp đấu tại vòng 1/8, những đội có doanh thu cao hơn trong năm vừa rồi đều giành quyền đi tiếp, ngoại trừ cặp Inter - Atletico. Theo Deloitte’s Money League, 6/8 đội lọt vào tứ kết nằm trong Top 10 câu lạc bộ tạo ra doanh thu hàng đầu thế giới. Hai đội còn lại là Dortmund và Atletico lần lượt đứng thứ 12 và 15.

Champions League mùa này cũng là chiến dịch cuối cùng theo thể thức cũ, trước khi tất cả bước sang thể thức mới từ mùa sau với 36, thay vì 32 đội tham gia như hiện tại. Dù thể thức mới sẽ buộc một đội phải đấu với 8 đối thủ ở vòng bảng nhưng với các đội bóng lớn, chưa chắc họ đã gặp khó và tình trạng cách biệt về trình độ vẫn có thể lặp lại.

Champions League sẽ có thay đổi lớn từ mùa giải sau nhưng khoảng cách về trình độ giữa các đội không vì thế sẽ được thu hẹp. Ảnh: The Athletic

Một chuyện nữa cũng đáng quan tâm ở tứ kết là quy tắc về chi phí dành cho các đội bóng đang chơi tại Champions League. UEFA đang siết mức trần 70% tổng doanh thu, tức chi phí cho chuyển nhượng, tiền lương và phí đại diện không được vượt quá 70% doanh thu.

Các đội bóng có doanh thu thấp vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về nhân sự, nay càng thấy mình đứng xa hơn so với nhóm có doanh thu lớn. Porto là nhà vô địch Champions League gần nhất nằm ngoài 5 giải hàng đầu châu Âu, hiện có tổng doanh thu xếp thứ 30 theo bảng xếp hạng của FIFA. Trong khi đó, nhà vô địch năm 1995 là Ajax cũng từng suýt vào chung kết năm 2019 nếu không thua Tottenham theo kịch bản cay đắng ở bán kết.

Những trường hợp như Porto và Ajax có lẽ rất hiếm bởi chính những tên tuổi lừng lẫy một thời này hiện còn đang kiếm về ít tiền hơn những đội hạng trung tại Premier League như Everton hay Crystal Palace.

Phải mất bao lâu nữa, một thế lực cũ như Porto mới trở lại vị thế tại Champions League? Ảnh: AFP

8 đội vào tứ kết đều là những đội đã xây dựng được khoảng cách về trình độ hoặc có truyền thống lâu đời ở sân chơi danh giá nhất châu Âu trong nhiều năm qua. Champions League dù có thay đổi như nào đi nữa cũng rất khó để san lấp khoảng cách giữa các nhóm giàu - nghèo như hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn