MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Aubameyang là bản hợp đồng đáng chú ý của Premier League vào ngày cuối của kỳ chuyển nhượng Hè 2022. Ảnh: AFP

Mùa chuyển nhượng điên rồ của Premier League

VIỆT HÙNG LDO | 04/09/2022 20:03
Không có bất cứ dấu hiệu tiêu cực nào từ COVID-19, các đội Premier League vẫn chi hàng tỉ bảng Anh để mua sắm cầu thủ vào Hè này, tạo ra một bức tranh tài chính mất cân đối giữa họ và 4 giải đấu hàng đầu còn lại.

Mùa Hè này, các câu lạc bộ Premier League đã chi 2,25 tỉ Euro (1,94 tỉ bảng), nhiều hơn cả La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1 cộng lại. Mức chi tiêu ròng của giải đấu thậm chí còn đáng chú ý hơn là 1,35 tỉ Euro (chuyển nhượng nội bộ). La Liga đứng thứ 2 với chỉ 52,44 triệu Euro.

Tân binh Nottingham Forest đã dành nhiều suất cho các tân binh hơn bất cứ đội bóng nào trên thế giới trong một mùa chuyển nhượng (21 người). Số tiền đội chủ sân City Ground bỏ ra nhiều hơn toàn bộ các đội ở giải hạng Nhất Anh cộng lại. Thậm chí, một đội chi tiêu ít như Bournemouth (27 triệu Euro) cũng bằng cả giải vô địch Hy Lạp.

Không thể phủ nhận, những cái tên như Darwin Nunez (Liverpool), Erling Haaland (Man City) hay Casemiro (Man United) đã khiến Premier League trở nên lấp lánh hơn. Tuy nhiên, những hợp đồng như vậy nếu diễn ra liên tục trong tương lai có thể khiến hệ thống giải đấu của xứ sương mù không còn được bền vững.

Nunez và Haaland trong trận Community Shield tiền mùa giải. Ảnh: AFP

Việc ngày càng nhiều ngôi sao đến Premier League sẽ gia tăng khoảng cách về trình độ giữa giải đấu này với Championship. Nó khiến một đội ngoi lên từ hạng Nhất như Nottingham phải điên cuồng mua sắm để thu hẹp về trình độ. Premier League là sân chơi thành tích của các đội lớn nhưng cũng là bàn cờ kinh tế của những ông chủ lắm tiền. Càng nhiều sự xa hoa, càng dễ có cơ hội cho nạn trốn thuế, vi phạm công bằng tài chính xuất hiện. Những năm gần đây, quá nhiều câu lạc bộ Premier League bị tình nghi và từng suýt bị phạt những mức án rất nặng như cấm thi đấu cúp Châu Âu.

Các câu lạc bộ tại Premier League vẫn ổn qua đại dịch, cho thấy việc bán vé, bán sản phẩm không ảnh hưởng quá nhiều. Trong khi đó, đáng ra đây phải là nguồn sống chính như nhiều đội khác tại Châu Âu. Đây là điều không bền vững bởi nếu giới chủ "hắt hơi", rất nhiều câu lạc bộ sẽ không còn nguồn tài chính bền vững và rất dễ rơi vào khủng hoảng. Không ai đảm bảo và có thể chứng minh, liệu những thương vụ như Antony (100 triệu Euro của Man United) có thật sự đáng giá đến chừng đó?

Antony trở thành tân binh đắt giá nhất Premier League trong Hè này. Ảnh: Manchester United

Tại Anh cho đến năm 1983, 20% doanh thu của các đội đến từ các đội khách, trong khi khoản tiền 4% được phân phối lại giữa 92 câu lạc bộ thuộc liên đoàn. Doanh thu từ truyền hình được chia đều cho mọi câu lạc bộ cho đến năm 1985, khi thỏa thuận Heathrow phân chia doanh thu truyền hình. Do đó, 50% dành cho giải đấu hạng cao nhất và giảm tiền thuế xuống còn 3%.

Sự ra đời của Premier League vào năm 1992 đã chấm dứt việc chia sẻ doanh thu từ truyền hình và khoản tiền thu được giảm xuống tổng cộng 3 triệu bảng. Sự ra đời của Champions League cùng năm đã làm tăng dòng tiền cho các câu lạc bộ lớn, thường xuyên đứng đầu.

Đã 3 thập kỷ trôi qua, hệ quả là các đội bóng giàu ngày càng có nhiều tiền hơn để mua cầu thủ. Không chỉ vậy, đi cùng đó là các huấn luyện viên và chuyên gia ở đẳng cấp cao bậc nhất. Không còn sự phân bổ nào nữa khi những đội bóng này đang ôm trọn phần lớn dòng tiền của giải đấu. Các đội tài chính yếu hơn chỉ biết hi vọng việc có thể đào tạo ra những cầu thủ giỏi để thu hẹp trình độ. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là thoáng chốc bởi sẽ ngay lập tức có một đội bóng lớn đứng ra "cướp" của họ viên ngọc thô ấy với hàng đống tiền.

Man City có thể mua bất cứ cầu thủ nào với hầu bao gần như không đáy. Ảnh: AFP

Một trong những động lực chính dẫn đến sự nổi tiếng toàn cầu của Premier League là sự thương lượng tập thể và việc phân chia doanh thu phát sóng tương đối công bằng, điều này vẫn giữ được mức độ cạnh tranh với hầu hết các giải đấu hàng đầu Châu Âu. Đáng tiếc, sự công bằng này ngày một biến mất. 

Đã có 7 câu lạc bộ tại Premier League chi từ 100 triệu Euro trở lên vào Hè này. Đây là những con số khiến thế giới bóng đá phải ngước nhìn về độ xa hoa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn