MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Newcastle sẽ học theo cách làm bóng đá của Man City và PSG?

MINH TRIẾT LDO | 15/10/2021 17:00

Tận dụng "hầu bao không đáy" của chủ sở hữu Trung Đông, tìm kiếm nguồn tài trợ và phát triển nội lực, đó là hướng đi mà Newcastle đã học theo những Man City, PSG. 

"Lột xác" khẩn cấp bằng cách vung tiền

Sau khi đổi chủ, Newcastle United hứa hẹn sẽ là một trong những đội bóng chi tiêu tích cực nhất trên thị trường chuyển nhượng. "Chích chòe đen" hội tụ đủ 2 yếu tố về tiềm lực tài chính và khả năng chi trả hóa đơn tiền lương trong hạn mức cho phép.

Một phần nhờ thói keo kiệt của người chủ cũ Mike Ashley, Newcastle có báo cáo tài chính ở mức an toàn và có thể thoải mái chi tiêu. Dù các thành viên trong hội đồng quản trị đã hoạch định chiến lược về việc dùng nội lực để phát triển câu lạc bộ nhưng Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) dự kiến vẫn sẽ cấp 190 triệu bảng để nâng cấp đội hình ngay ở kỳ chuyển nhượng tháng Giêng.

Vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng cùng thành tích chỉ hòa và thua, buộc giới chủ phải đầu tư để níu giữ Newcastle lại Ngoại hạng Anh. Bằng không, "Chích chòe" sẽ có thể mất đi hàng trăm triệu bảng tiền bản quyền giải đấu. Nói cách khác, vung tiền đầu tư là phương án trước mắt để PIF giữ giá cho phần tài sản mới. 

Giám đốc điều hành Amanda Staveley sẽ đích thân đi tuyển chọn những mục tiêu chuyển nhượng tiềm năng. Kể từ khi trở lại Premier League vào năm 2016, Newcastle chưa từng được đại tu toàn diện. Do đó, cuộc tìm kiếm sắp tới hướng đến những ngôi sao, không cần số lượng mà đề cao chất lượng. Theo đánh giá của giới thượng tầng, rất nhiều  câu lạc bộ trên khắp Châu Âu vẫn đang vật lộn vì COVID-19 nên đội bóng có rất nhiều cầu thủ để lựa chọn.

Làm sao để tiêu tiền mà vẫn đảm bảo công bằng tài chính?

Dù hướng đến mục tiêu là những ngôi sao thượng thặng như Kylian Mbappe, Erling Haaland hay nhóm "có giá nhưng hết thời" như Kalidou Koulibaly, Aaron Ramsey, Philippe Coutinho và Eden Hazard, Newcastle dự kiến vẫn phải chi ra rất nhiều tiền để thương thảo. Lúc này, lo ngại lớn nhất nằm ở luật công bằng tài chính (FFP).

Theo The Telegraph, hóa đơn tiền lương của các câu lạc bộ đã giảm khoảng 12 triệu bảng/năm ở mùa Hè vừa qua. Điều này cũng sẽ mang lại cho câu lạc bộ nhiều khoảng trống để cân đối chi tiêu. Trước đó, cựu Chủ tịch Mike Ashley cũng không đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất và chuyển nhượng cầu thủ. Nhờ đó, Newcastle trở thành một trong những câu lạc bộ được phép chi tiêu nhiều nhất trong hạn mức Công bằng Tài chính của Premier League.

Ở Anh, thuật ngữ "quản trị lợi nhuận và bền vững" cho phép các câu lạc bộ lỗ 15 triệu bảng trong khoảng 3 năm luân phiên. Tuy nhiên, con số này được phép tăng lên 105 triệu bảng nếu chủ sở hữu đầu tư cổ phần khoảng 30 bảng/năm. Đây là điều mà giới chủ Saudi Arabia sẽ làm để nâng tiềm năng hạn mức. Các khoản trợ cấp khác cũng rơi vào khoảng 50 triệu bảng dùng vào mục đích điều hành học viện trẻ.

Theo báo cáo, Newcastle đã thu về khoản lợi nhuận 38 triệu bảng trong ba năm qua. Đó là cơ sở tuyệt vời để tăng hiệu suất chuyển nhượng trong mùa Đông năm nay. Theo ông Kieran Maguire - một giảng viên tài chính bóng đá tại Đại học Liverpool, các điều kiện thị trường đang vào giai đoạn chín muồi để mua sắm có lợi cho các câu lạc bộ.

Trong bối cảnh hậu COVID-19, hầu như tất cả các câu lạc bộ đã phải siết chặt chi tiêu do thua lỗ trong 18 tháng qua. Do đó, nếu nhận được lời mời gọi của Newcastle, họ sẽ cố gắng tăng giá nhưng nhiều khả năng khó chối từ.

"Chúng ta đang có một thị trường chuyển nhượng hơi trầm lắng, nhưng tôi sẽ dự đoán nó sẽ sôi động lên từ mức phí chuyển nhượng của Newcastle. Bất kỳ ai cũng muốn giao dịch với họ, đúng như những gì chúng ta từng thấy với Chelsea và Manchester City thời kỳ đầu", Maguire chia sẻ.

Newcastle đặt mục tiêu cạnh tranh lâu dài với PSG và Man City?

Chuyển đổi sự hấp dẫn trong thương mại cũng là một cách để tăng doanh thu. Khi hầu bao được nới lỏng, cổ phiếu của câu lạc bộ sẽ tăng vọt trong mắt các thương hiệu. Điều này đảm bảo lợi nhuận tài trợ tiềm năng, từ đó có tiền đầu tư ngược lại cho thị trường chuyển nhượng mà không ngại luật FFP. Đầu tư để thu hút tài trợ và lại dồn ngược lại để đầu tư, đó là mô hình phát triển vững bền được PSG và Man City kiểm chứng.

Năm 2007, khi Newcastle được rao bán, doanh thu thương mại của câu lạc bộ là 28 triệu bảng. Vào năm 2019 - năm cuối cùng trước COVID-19 - con số này vẫn là 28 triệu bảng.

"Trong khoảng thời gian đó, doanh thu thương mại tổng thể ở Premier League đã tăng 264%, trong khi Newcastle vẫn không đổi. Nó cho thấy rằng các nhà tài trợ và đối tác thương mại không muốn liên kết với Newcastle vì nhận thức được mối quan hệ không bền giữa Chủ tịch Mike Ashley và người hâm mộ. Nhưng giờ những điều đó biến mất khi Ashley ra đi", Maguire nói thêm.

Phương án đẩy mạnh đào tạo trẻ đã được tính tới. Tuy nhiên, tăng tiềm lực kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Một hợp đồng tài trợ áo đấu và sân động mới mới sẽ xuất hiện trong những tuần tới để đảm bảo câu lạc bộ có thêm ít nhất 100 triệu bảng nữa.

Sau cùng, khi Newcastle mơ về cúp Châu Âu, phần thưởng sẽ tăng thêm khi doanh thu của các câu lạc bộ dự Champions League luôn dao động từ 30 triệu đến 100 triệu bảng. Viễn cảnh đó sẽ là cái đích mà "Chích chòe" hướng đến, giống như PSG và Man City hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn