MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong trào "Black lives matter" có thể bị nhiều đội tuyển từ chối. Ảnh: UEFA.

Nghi thức chống phân biệt chủng tộc trước trận đấu có bắt buộc ở EURO 2020?

VIỆT HÙNG LDO | 10/06/2021 14:52
Trước ngày ra quân ở EURO 2020, trận làm khách tại Anh ở sân Wembley, Croatia đã thể hiện rõ lập trường trong vấn đề chống phân biệt chủng tộc.

Câu chuyện bắt đầu từ khi người đàn ông da màu George Floyd bị các cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết tại Mỹ. Từ đó đến nay, làn sóng chống phân biệt chủng tộc được thổi lên mạnh mẽ trên khắp thế giới, bóng đá cũng không nằm ngoài phong trào này.

Ở hầu khắp các giải đấu trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu, trước khi giao bóng, các cầu thủ thường có động tác quỳ một gối để tưởng nhớ về Floyd cũng như lên án hành động phân biệt chủng tộc. Nghi thức này xuất hiện nhiều đến nỗi nó được coi như phần không thể thiếu trước mỗi trận đấu.

Tuy nhiên, vào cuối mùa giải trước, đặc biệt ở Premier League đã có người trong cuộc phản đối. Tiền đạo Wilfried Zaha của Crystal Palace từng nói, các đồng đội muốn làm vậy thì tùy, anh không tham gia. Điều đáng nói ở đây, Zaha là một người da màu và anh cho rằng, tất cả hô hào nhau làm vậy nhưng cuối cùng, tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra. Vậy làm cho có theo kiểu hô hào có đáng và cần không?

Zaha phản đối hành động này ra mặt vì vô nghĩa. Ảnh: Premier League.

Theo bộ quy tắc của Premier League hay sắp tới ở EURO 2020 là UEFA, không có văn bản nào yêu cầu các cầu thủ phải thực hiện hành động này trước khi giao bóng. Các cầu thủ Anh đã làm quá quen trong suốt mùa giải vừa rồi nên gần như ở Wembley cuối tuần này, họ vẫn thực hiện. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đội khách Croatia sẽ nói không.

Ông Tomislav Pacak - phát ngôn viên của Liên đoàn Bóng đá Croatia - đã nói, UEFA không bắt các đội phải làm hành động đó trước trận. Pacak còn cho hay, có thể Croatia sẽ đứng chào sân như bình thường trong lúc các cầu thủ Anh vẫn thực hiện nghi thức đó.

Sở dĩ điều này gần như sẽ thành hiện thực bởi từ khi phong trào thực hiện hành động đó được nhân rộng cho đến nay, ở các giải đấu chính thức, các đội tuyển của Croatia chưa bao giờ quỳ một gối trước lúc giao bóng. Họ có quyền làm vậy và không ai có thể bắt lỗi.

Ngay bản thân đội tuyển Anh, họ luôn đi đầu trong phong trào chống phân biệt chủng tộc nhưng liệu hành động cho có ấy có thực sự bảo vệ được chính các ngôi sao của "Tam sư"? Hôm thứ Ba vừa qua, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã tỏ thái độ không hài lòng với Chính phủ nước này vì sự thiếu ủng hộ cho đội tuyển.

FA cho hay, chính quyền nước này không có động thái đi sau việc nhiều cầu thủ da màu của đội nhà đã nhận tiếng huýt sáo, la ó tại sân Riverside. Bản thân ông thầy Southgate cũng chia sẻ, dường như cảm nhận được những sự chỉ trích đó nhắm vào đội tuyển Anh.

Các cầu thủ Hungary cũng phản đối phong trào hình thức này trong trận giao hữu với Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm EURO 2020. Ảnh: UEFA

Không chỉ Croatia, Scotland hay Cộng hòa Séc cũng đang xem xét việc loại bỏ nghi thức này. Nếu không có hành động cụ thể, việc đưa ra một vài nghi thức, đúng như Zaha nói, chỉ là việc vô nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn