MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
FC Sion. Ảnh:Goal.

Nhiều đội giảm lương cầu thủ vì COVID-19: Không phải ai cũng như... Ronaldo

VIỆT HÙNG LDO | 29/03/2020 06:43
Dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến nhiều đội bóng thất thu do hoạt động đình trệ, kéo theo đó là những nỗi lo về tài chính của các cầu thủ, đặc biệt ở những đội bóng nghèo.

Rất nhiều đội bóng nhỏ như FC Sion (Thụy Sỹ) hay Dinamo Zagreb (Croatia) là những ví dụ điển hình nhất về hệ quả tiêu cực của dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lên bóng đá Châu Âu. 

Với những câu lạc bộ lớn như Manchester United, Real Madrid, Barcelona..., việc phải cắt giảm chi tiêu là điều được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn này. Với các đội có tên tuổi, mất một vài tháng doanh thu là chuyện nghiêm trọng nhưng chưa đến mức phải sống lay lắt sau quãng thời gian đó. Nhưng với các đội bóng nhỏ, họ có thể phải "bay màu" nếu tình hình không sớm được cải thiện.

Ảnh: Getty.

Theo thống kê sơ bộ của UEFA năm 2018, số tiền mà các đội chi tiêu phần lớn là trả lương cầu thủ (lên đến 64%). Thế nên khi mọi thứ đang hoãn vô thời hạn như hiện nay, việc "thắt lưng, buộc bụng" là cần thiết. Nhưng nói là một chuyện, liệu các cầu thủ có chịu giảm lương hay không là điều không ai dám chắc.

Messi đang dẫn đầu "phong trào biểu tình" phản đối việc ban lãnh đạo Barcelona muốn giảm 70% lương đến khi nào các giải đấu trở lại bình thường. Một người sở hữu tài sản cả trăm triệu USD như Messi còn sợ, huống chi những người coi đồng lương hàng tuần là nguồn sống duy nhất.

"Chúng tôi không như Ronaldo. Nếu Juventus cắt lương của anh ấy 2 tháng, mọi thứ chẳng thấm vào đâu. Nhưng nếu đội bóng của tôi làm vậy với các cầu thủ, những người chủ cho thuê nhà sẽ lập tức tìm đến. Không phải cầu thủ nào cũng như nhau đâu", Alberto Paleari, thủ môn đang chơi tại Serie B chia sẻ.

Alberto Paleari đang bắt cho Cittadella. Ảnh: Getty.

Quay trở lại với con số 64% của UEFA thống kê năm 2018. Sau mỗi mùa giải, số tiền mà các đội phải chi để trả lương cầu thủ ngày một tăng. Đại dịch diễn ra là lúc mọi người cảm thấy gánh nặng rõ nhất. Giờ là lúc cần cải tổ, sắp xếp lại mọi thứ, thế nhưng nên bắt đầu từ đâu?

Không phải quốc gia nào cũng "dang tay" để cứu bóng đá như Tây Ban Nha, với gói cứu trợ 500 triệu euro mà La Liga "cắn răng" vay ngân hàng trong 6 năm để bù đắp thiệt hại cho giải đấu. FIFPro - Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới đã trao đổi rất nhiều nhưng không thể tìm được biện pháp chung để áp dụng cho tất cả.

FC Sion tuần trước đã có đề xuất cắt giảm lương nhưng không nhận được sự đồng tình của nhiều cầu thủ. Hệ quả là có 9 ngôi sao bị sa thải, trong đó có những người từng nổi tiếng tại Premier League trong màu áo Arsenal như Alex Song hay Johan Djourou. Có thông tin cho rằng, FC Sion đã yêu cầu họ phải cắt giảm tới 80% lương.

Điều tương tự cũng đến với 6 trợ lý của huấn luyện viên Nenad Bjelica (Dinamo Zagreb) khi tất cả đều không muốn "bát cơm" của mình bị vơi đi. Các cầu thủ của đội bóng này cũng lâm vào tình cảnh bi đát khi họ có thể chỉ được nhận hơn 30% lương ghi trong hợp đồng trong vòng 6 tháng tới. 

Song và Djourou. Ảnh: Goal.

Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp Croatia chia sẻ đang tìm các biện pháp để hỗ trợ nhưng mọi thứ quá gấp gáp khiến tất cả đang rối như tơ vò, từ tiền trang trải cho các đội đến tiền bản quyền truyền hình sụt giảm nghiêm trọng.

Các đội bóng ở Bắc Âu tại bán đảo Scandinavia cũng bị cắt từ 25% - 50% số lương hiện tại. Tình trạng "vỡ trận" tại đây chưa đáng báo động và rất mừng khi đa số các đội bóng, cầu thủ đều đồng lòng để vượt qua đại dịch COVID-19. 

"Chúng tôi e ngại rằng, một số đội bóng đang đơn phương muốn cắt giảm lương của cầu thủ mà không hỏi qua ý kiến của họ. Những câu chuyện như vậy đến từ phân nửa các đội trên toàn thế giới.

Trong một vài trường hợp, các cầu thủ đã bị đội bóng tự ý cắt khoảng 2/3 lương trong vòng 6 tháng chỉ vài ngày sau khi giải đấu bị hoãn. Chúng tôi hiểu áp lực kinh tế mà các đội đang phải đối mặt. Tuy nhiên, FIFPro không chấp nhận việc đơn phương hành xử như vậy", Tổng Thư ký FIFPro Jonas Baer-Hoffmann chia sẻ.

Jonas Baer-Hoffmann. Ảnh: Flickr.

Bóng không lăn trên sân cỏ nữa, nó đang lăn qua "bát cơm" của các cầu thủ nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn