MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: AFP

Nỗi khổ của giới cầu thủ trong “năm COVID-19 thứ nhất”

TAM NGUYÊN LDO | 12/09/2020 12:11
Béo lên, thời gian thi đấu bất ổn, lịch thi đấu xáo trộn khiến cho các cầu thủ đối mặt với nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.

Hôm nay 12.9, mùa giải mới bắt đầu tại Anh (Premier League) và Tây Ban Nha (La Liga), trong khi đó, giải vô địch quốc gia Pháp (Ligue I) mùa 2020-21 đã đi qua được 3 vòng đấu. Italia (Serie A) và Đức (Bundesliga) sẽ là các giải đấu tiếp theo khởi tranh vào tuần sau.

Béo lên vì không thi đấu

Các cầu thủ béo lên trong giai đoạn nghỉ dịch COVID-19. Ảnh: YouTube

Xin nhắc lại rằng, đây là tháng 9, nghĩa là so với mọi năm, mùa giải khai mạc muộn hơn 1 tháng. Tất cả là bởi ảnh hưởng khủng khiếp của dịch COVID-19. Cũng bởi đại dịch này, các cầu thủ đã phải trải qua một năm vô cùng khó khăn, khi mọi thứ bị xáo trộn.

Thực ra, mùa giải 2019-20 đã diễn ra bình thường hơn nửa chặng đường, nhưng kể từ thời điểm COVID-19 bùng phát tại Châu Âu, sự đảo lộn chưa từng thấy đã diễn ra. Hoạt động bóng đá ngừng trệ khi tất cả buộc phải thực hiện chế độ giãn cách xã hội. Các cầu thủ phải tự duy trì thể trạng và trạng thái thể lực bằng các bài tập tại nhà. Tuy vậy, chừng đó vẫn là không đủ để ngăn không cho họ... tăng cân.

Trong 3 tháng không bóng đá, các nhà tổ chức đã đau đầu nghĩ cách giải quyết phần còn lại của mùa giải. Đơn giản nhất, như các quốc gia Pháp, Hà Lan, Bỉ thì quyết định hủy mùa giải nhưng kéo theo nhiều tranh cãi về các suất dự Cúp Châu Âu hay xuống hạng.

Anh, Tây Ban Nha, Đức cố gắng sắp xếp để mùa giải được hoàn tất và dĩ nhiên là các cầu thủ chơi bóng trong sân không khán giả. Với các cầu thủ, quãng nghỉ quá dài đã phần nào ảnh hưởng tới thể lực để khi trở lại, họ cũng mất một thời gian để tìm lại mình. Cũng có những chấn thương đáng tiếc xảy ra, chỉ bởi ảnh hưởng của việc trạng thái thể lực không được duy trì.

Đá bóng không khán giả như xem xiếc không có những chú hề. Ảnh: Getty Images

Như gần đây Cristiano Ronaldo chia sẻ: “Thi đấu không có khán giả chẳng khác nào đi xem xiếc mà không có những chú hề hay trong các khu vườn không có những bông hoa”. Rõ ràng, cảm xúc trong các trận đấu mất đi rất nhiều khi 4 phía khán đài là những chiếc ghế màu mè và sự im lặng.

Thi đấu nhiều thì kiệt sức

Các câu lạc bộ có khó khăn, như việc thất thu tiền vé và các hoạt động thương mại khác, còn cầu thủ cũng có nỗi khổ riêng. Bóng đá trở lại, dù sao cũng là vui, cũng là để các cầu thủ được “làm nghề”. Vậy nhưng trong tình trạng dồn nén lịch thi đấu, họ lại đối mặt với một vấn đề khác: Quá tải.

Ligue 1 đã đá 3 vòng nhưng vì mùa trước đã dừng lại sớm nên các cầu thủ có thời gian nghỉ, thậm chí là quá dài. Nhưng ở Premier League, La Liga hay Bundesliga, thời gian dành cho những nhân vật chính nghỉ ngơi chỉ khoảng 1 tháng. Có những người nghỉ Hè còn ít hơn và không có thời gian cho gia đình vì còn làm nhiệm vụ với đội tuyển quốc gia.

Vì COVID-19, việc tập luyện cũng phải tuân thủ các quy định giãn cách. Ảnh: Getty Images

Và nên nhớ rằng, khi Vòng chung kết Euro 2020 đã được chuyển sang mùa Hè năm 2021 thì một là các giải vô địch quốc gia phải hoàn tất trước tháng 6 nên lịch thi đấu vẫn rất dày. Hai là với rất nhiều cầu thủ, mùa giải 2020-21 sẽ chỉ kết thúc vào giữa tháng 7 năm sau vì phải tiếp tục khoác áo đội tuyển. Họ lại chỉ nghỉ được 1 tháng trước khi mùa giải 2021-22 bắt đầu.

Chính vì thế, Kevin de Bruyne, một trong những cầu thủ có thể lực sung mãn nhất của Manchester City nói rằng, các cầu thủ cần phải lên tiếng và dành thời gian nghỉ ngơi khi cảm thấy cần, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng kiệt sức.

Giới chuyên môn nói vui về năm 2020 là “năm COVID thứ nhất”, nhưng ai cũng hiểu những khó khăn mà các cầu thủ phải đối mặt về chuyên môn lẫn đời sống (bị giảm lương, sức ép tâm lý...). Chuẩn bị “mùa COVID thứ hai”, sự chuẩn bị có thể đã cẩn thận, chu đáo hơn nhưng quan tâm đến sức khỏe của các cầu thủ thực sự là điều cần ưu tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn