MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: talkSPORT

Olympic, EURO và nhiều giải VĐQG phải hoãn: Những khoản thiệt hại khổng lồ

HOÀI MINH LDO | 26/03/2020 10:00
Việc hoãn những giải đấu như Olympic Tokyo 2020, EURO 2020 hay Premier League... kéo theo những thiệt hại khổng lồ khó tính hết.

Tối 24.3, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đi đến thống nhất hoãn thế vận hội mùa hè sang năm 2021. Điều này nhiều khả năng sẽ gây sức ép lớn lên nền kinh tế Nhật Bản, vốn cũng đang lao đao sau đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10.2019.

Từ "pháo cứu sinh" thành "món nợ

Tờ báo chuyên thống kê tài chính Nikkei Asian Review ước tính, Nhật Bản sẽ phải gánh chịu thiệt hại lên tới 600 tỉ yên - 700 tỉ yên (tương đương 5,42 tỉ - 6,32 tỉ USD). Con số này phần lớn đến từ những nhà tài trợ đã đầu tư vào Thế vận hội. Trong đó, tập đoàn phụ tùng ô tô Bridgestone gánh con số lên tới 3 tỉ USD.

Từ chỗ được kỳ vọng sẽ là "phao cứu sinh" giúp Nhật Bản vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Olympic Tokyo 2020 bây giờ chẳng khác nào "giấy báo nợ".

Dịch vụ quảng cáo coi như mất trắng nếu Olympic diễn ra muộn 1 năm. Ảnh: Getty

"Đất nước Mặt trời mọc" dự kiến mất khoảng 550 tỉ yên cho tiêu dùng nội địa sau khi thế vận hội hoãn 1 năm. Các dịch vụ du lịch, an ninh, cung cấp vật tư và quảng cáo... cũng bị thiệt hại nặng nề. Rõ ràng, sức tiêu thụ các mặt hàng cũng như doanh thu từ du lịch và các ngành liên quan không thể tăng trưởng như dự kiến khi phải 1 năm sau, sự kiện mới diễn ra.

Chưa kể, các công ty blue-chip (công ty lớn có vốn hóa trên thị trường toàn cầu) sẽ bị ảnh hưởng nhiều về giá trị. Những tập đoàn như Toyota Motor và Panasonic, giống như Bridgestone là đối tác toàn cầu của IOC. Canon, Asahi Breweries và NEC cũng là những đối tác chính thức, có hợp đồng với Ban tổ chức Olympic Tokyo, giờ đều không biết lấy nguồn doanh thu từ đâu để bù đắp hàng tỉ USD đã đổ vào tài trợ sự kiện.

Dù cho cơ sở hạ tầng có "chất lượng Nhật Bản" sẽ khó bị hư hao chỉ sau 1 năm nhưng phí duy trì, sửa chữa cũng không thể bỏ qua. Các làng Olympic được dự kiến sẽ trở thành nhà chung cư cũng đã có hợp đồng bán và bàn giao nhà trong năm, 1 năm sau, liệu khách hàng có chấp nhận mua hay không cũng là vấn đề.

Các dự án bất động sản chưa có lời hồi đáp. Ảnh: E! News

EURO 2020 hoãn và 300 triệu Euro "bay hơi"

Nhìn Nhật Bản lao đao, UEFA có lẽ cũng phần nào đồng cảm. Việc hoãn EURO 2020 cũng khiến cơ quan quyền lực nhất bóng đá Châu Âu thiệt hại đến hàng trăm triệu Euro. Tuy nhiên, nếu không làm việc, các giải vô địch quốc gia còn bị tổn thất lớn hơn rất nhiều.

Theo tờ The Athletic, UEFA đã ước lượng khoản thiệt hại lên tới 300 triệu Euro (khoảng 324 triệu USD) nếu như vòng chung kết EURO 2020 bị hoãn lại 1 năm. Con số này phần lớn đến từ chi phí bản quyền truyền hình, dịch vụ, nhân sự,... còn cơ sở hạ tầng thông thường không hư hao nhiều.

Để chuẩn bị tốt cho vòng chung kết EURO 2020, UEFA đã phải sắp xếp các công tác tổ chức gồm đặt khách sạn cho quan chức, nhân viên điều hành và các dịch vụ hậu cần... từ 1 - 2 năm trước đó. Dời lịch tổ chức sang năm 2021, những khoản phí này sẽ tiếp tục phát sinh không nhỏ. Bên cạnh đó, UEFA chắc chắn sẽ phải "nhún mình" chịu phần thiệt khi đàm phán lại với các đối tác truyền hình và nhà tài trợ.

UEFA hy sinh để cứu các liên đoàn thành viên. Ảnh: Reutes

Tuy nhiên, nếu phải so thiệt hại của UEFA khi hoãn  EURO 2020 với những bản hợp đồng truyền hình các giải vô địch quốc gia Châu Âu, con số này khiêm tốn hơn rất nhiều.

"Quỹ đoàn kết" của UEFA

Bản quyền truyền hình giải Premier League 2019-20 có giá trị lên đến 3,3 tỉ Euro. Ban tổ chức giải nhiều khả năng phải đền bù đến 830 triệu Euro (gần 900 triệu USD) nếu không thể hoàn thành nốt 9 vòng đấu còn lại. Tương tự, con số này của La Liga, Serie A, Ligue 1... chắc chắn cũng không nhỏ. Do đó có thể nói, UEFA đã "hy sinh" để cứu hàng loạt giải quốc nội tại Châu Âu.

Đây cũng là lý do, hầu hết các liên đoàn thành viên đều ủng hộ tuyệt đối việc EURO 2020 hoãn sang năm 2021.

Trước mắt, UEFA và 55 liên đoàn thành viên đã đồng ý thiết lập một quỹ “đoàn kết” có giá trị khoảng 275 triệu Euro (gần 300 triệu USD) để giải quyết các vấn đề tài chính phát sinh. Tuy nhiên, thiệt hại và biến động trong vòng 1 năm chưa chắc sẽ dừng lại ở con số đó.

Tất cả đều vì COVID-19. Ảnh: Reutes

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn