MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: EPA.

Phân biệt chủng tộc tại Ngoại hạng Anh: Vết nhơ sau nét hào nhoáng

VIỆT HÙNG LDO | 24/12/2019 07:55

Bóng đá Anh đang dần phải quen với tình trạng trận đấu bị ngắt đoạn bởi những âm thanh giả tiếng khỉ và các động tác phân biệt màu da từ trên khán đài.

Trận derby London giữa Tottenham và Chelsea tối 22.12 đã phải tạm dừng ít phút khi nhiều cổ động viên "Gà trống" giả tiếng khỉ và các động tác phản cảm để nhắm vào trung vệ Rudiger. 

Sóng truyền hình ghi lại cảnh ngôi sao người Đức bất lực trước những âm thanh đầy tính miệt thị đó. Anh chỉ biết làm động tác tương tự để trả đũa các kẻ thiếu ý thức trên khán đài.

Trọng tài nhận ra sự việc và lập tức tiến lại gần 2 huấn luyện viên để trao đổi. Thông báo cũng được đọc đi đọc lại trên sân vận động để nhắc nhở rằng, nếu những kẻ thiếu ý thức vẫn tái diễn hành động, Tottenham có thể phải trả giá đắt bằng những án phạt.

Nhưng có vẻ những thông báo được phát đi trực tiếp từ sân vận động như vậy không ăn thua. Minh chứng là việc các vụ phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng tại Premier League, phát sinh thành một vấn nạn.

Rudiger là nạn nhân mới nhất của những kẻ phân biệt chủng tộc tại Anh. Ảnh: Getty.

Điều đầu tiên khiến các nhà tổ chức lo ngại là việc hình ảnh của giải đấu sẽ bị vấy bẩn. Premier League vẫn là giải có tính thương mại số 1 thế giới và những người xây dựng nó không muốn có tí chút vấn nạn nào. Nếu không, các hợp đồng tài trợ, quảng cáo sẽ vơi dần.

Thứ hai, tất cả phải đi tìm nguyên nhân tại sao những hành vi bỉ ổi như vậy lại xuất hiện ngày một nhiều từ chính cổ động viên bản địa. Trên thực tế, trên khán đài hàng vạn người, chỉ cần một kẻ thiếu ý thức, những chuyện không hay sẽ xảy ra. Ai cũng hiểu kiểm soát được chuyện này gần như bất khả thi. Nhưng chỉ còn chút tia hi vọng để cải thiện, những nhà tổ chức vẫn muốn nắm lấy.

Tại Anh, bóng đá sinh ra để phục vụ khán giả nhưng không phải họ muốn làm gì thì làm. Các quy tắc mới đây của FIFA và UEFA đang dần siết chặt các hành vi phản cảm như phân biệt chủng tộc bằng các án phạt nặng cho chính những kẻ đó và tập thể đội bóng.

Nếu một đội để xảy ra tình trạng này trên khán đài, kẻ trực tiếp thực hiện hành vi sẽ bị cấm đến sân, có thể vài năm hoặc vĩnh viễn. Đội bóng sẽ bị phạt tiền, nặng nhất là thi đấu trên sân không có khán giả. Những án phạt này của UEFA nặng ở chỗ nó đánh thẳng vào kinh tế và con số thường rất cao.

Ảnh: EPA.

Tuy nhiên, phạt là một chuyện, việc bài trừ phân biệt chủng tộc còn phải đến từ ý thức của xã hội Anh nói riêng và rất nhiều nước Châu Âu.

Các chủ trương chống phân biệt chủng tộc của những nhà nhân quyền nhưng lại không có giải pháp nào cụ thể và cũng không ai đứng ra nhận trách nhiệm để giải quyết các tình huống tương tự.

Sẽ còn bao nhiêu người như Rudiger? Ảnh: Goal.

Bóng đá là một lát cắt của cuộc sống, và lát cắt ở đoạn phân biệt chủng tộc này là một vết nhơ với lối văn hóa ứng xử của rất nhiều người Châu Âu, trong đó có cả người Anh. Cần có thêm nhiều hình phạt nặng để mang tính răn đe, qua đó tình trạng này mới giảm dần.

Thế nhưng, án phạt có nặng đến mấy cũng không thể giải quyết triệt để. Bởi ở một trận đấu nào đó, trên khán đài hàng chục ngàn khán giả, chỉ cần một kẻ vô ý thức, mọi thứ đâu lại vào đấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn