MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Deschamp đứng trước hàng loạt sóng gió của đội tuyển. Ảnh: AFP.

Pháp mạnh thật đấy nhưng coi chừng ngã đau đớn ở EURO 2020

VIỆT HÙNG LDO | 12/06/2021 19:44

Mọi đánh giá chuyên môn đều nghiêng về tuyển Pháp ở kì EURO 2020, nhưng từ lý thuyết đến thực tế, bao giờ khoảng cách cũng xa nhau.

"Giáo sư" Arsene Wenger nhận định, đội tuyển quê hương ông là ứng viên số 1 cho chức vô địch EURO 2020. Đang là những nhà vô địch World Cup và sở hữu một dàn hảo thủ đáng mơ ước, Deschamp là huấn luyện viên nhàn nhất EURO này khi ông có thể sắp 2 đội hình song song với chất lượng như nhau.

Chiều sâu của tuyển Pháp không phải bàn khi họ đang có Mbappe, Kante, Griezmann, Pogba... Hầu hết mọi nhận định hay dự đoán, khi nhìn vào những cái tên này đều có thể gật đầu đồng ý rằng, Pháp là đội được cho là mạnh nhất.

Tuy nhiên, mạnh về lý thuyết là một chuyện còn thực tế ra sao, Deschamp chưa chắc đã xử lý được, nhất là bối cảnh nội bộ Les Bleus đang có một số rắc rối.

Giroud và Mbappe đã dùng “võ mồm” trước giờ ra quân tại EURO 2020. Ảnh: AFP.

Trong bối cảnh COVID-19 hiện tại, việc được đá giao hữu trước thềm EURO là điều đáng quý. Càng đáng chú ý hơn khi Pháp thắng 3-0 trước Bulgaria. Tuy nhiên, những tin tức tích cực về kết quả này nhanh chóng nhường chỗ cho những màn "võ mồm" không đáng có của Giroud và Mbappe.

Giroud trách không được đồng đội chuyền bóng cho dù anh ghi cú đúp. Mbappe bị thay ra với trạng thái hậm hực dù đội nhà thắng to. Thậm chí, anh còn dọa đăng đàn để phản pháo người đàn anh.

Khi sự so sánh giữa "F1" Benzema và "Go Kart" Giroud chưa lắng xuống, tuyển Pháp lại chứng kiến một cơn sóng ngầm khác.

Pháp phải nhớ họ đang nằm trong "bảng tử thần", nơi có sự xuất hiện của nhà vô địch Bồ Đào Nha cùng đại kình địch Đức. Nếu vượt qua vòng bảng, Pháp cũng có nhiều khả năng đụng Anh ở vòng loại trực tiếp sau đó. Nếu những bất hòa này không được giải quyết sớm, "Gà trống Gô-loa" không thể tiến xa.

Nội bộ bất hòa của Les Bleus. Ảnh: AFP.

Trong lịch sử, khi tuyển Pháp là một khối thống nhất, họ dễ dàng làm chủ các giải đấu như EURO 2000, World Cup 1998 và 2018. Ngược lại, 11 năm trước ở Nam Phi, Pháp bị rớt đài cay đắng bởi hàng loạt cơn sóng trong phòng thay đồ nhắm vào thuyền trưởng Domenech.

Năm đó, Pháp chỉ vượt qua vòng loại World Cup nhờ "bàn tay bẩn" của Henry vào lưới Ireland. Vào đến vòng chung kết, Domenech liên tục vướng vào xích mích với Henry, Anelka, Gallas, Diara, Evra,... Thất bại 1-2 trước chủ nhà Nam Phi rồi rời giải như một cái tát vào lòng tự trọng của nền bóng đá phát triển bậc nhất Châu Âu.

Xa hơn là World Cup 2002, sau trận thua choáng váng trước Senegal ở ngày khai mạc, Pháp rụng rời dần và rời giải với hình ảnh chiếc áo bị kéo rách của Zidane. Khi đó, Les Bleus đang là đương kim vô địch thế giới và EURO.

Nỗi hổ thẹn năm 2002 của “Gà trống“. Ảnh: FIFA.

Lần này, chưa biết quyết định gọi lại Benzema của Deschamp đúng hay sai nhưng khi bóng còn chưa lăn qua chân các tuyển thủ, Pháp đã vướng phải hàng loạt rắc rối.

Nỗi đau 2016 khi thua Bồ Đào Nha ở chung kết còn chưa vơi, Pháp nên cẩn trọng không khéo lại rớt đài sớm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn