MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
De Gea đang là ca khó với Man United khi không nói rõ có muốn đi hay không và cũng không có đội nào thực sự muốn mua. Ảnh: AFP

Tại sao Man United lại khó bán cầu thủ?

VIỆT HÙNG LDO | 24/06/2023 18:58
Mua đã khó, việc bán cầu thủ với Man United cũng gian nan không kém khi đến lúc này, Erik ten Hag vẫn chưa thực hiện được kế hoạch thanh lý nhân sự như ông mong muốn. 

Man United đã lên kế hoạch bán nhiều cầu thủ như Eric Bailly, Alex Telles hay Anthony Martial nhưng đến lúc này, chưa có bất cứ đội bóng tiềm năng nào hỏi mua. Saudi Pro League đang lôi kéo các ngôi sao châu Âu cũng không buồn đoái hoài gì đến cầu thủ của "Quỷ đỏ" dù họ sẵn sàng tuyển mộ nhiều người đang ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp.

Hệ quả của việc này là do những kế hoạch mua bán không rõ ràng, không bài bản và mang tính chớp nhoáng từ thời Ed Woodward. Nhiều năm trở lại đây, The Red Devils thường xuyên rơi vào tình trạng khi muốn bán một cầu thủ thường mất rất nhiều thời gian để tính xem giá bao nhiêu sẽ hợp lí, để từ đó có thể dùng tiền mua ngôi sao khác phù hợp. Cách làm việc theo kiểu "nước đến chân mới nhảy" như vậy đang đẩy những người kế nhiệm trong ban lãnh đạo như John Murtough gặp khó.

Man United cũng đang vướng phải khó khăn khi một số ngôi sao như Harry Maguire, Fred, Scott McTominay và Aaron Wan-Bissaka thuộc dạng có thể bán cũng được nhưng giữ lại để làm nòng cốt cho đội 1 không có vấn đề gì. Việc không phân tách được lực lượng chính và dự bị, thậm chí cần đào thải khiến ban huấn luyện của Ten Hag gặp khó. 

Ten Hag đang gặp khó trong phiên chuyển nhượng hè đầu tiên cùng Man United. Ảnh: AFP

Trong 10 năm qua, lượng cầu thủ bán có lãi của Man United chỉ đếm trên đầu ngón tay, có thể kể đến một vài thương vụ như: Daniel James (25 triệu bảng tăng lên 30 triệu bảng) Chris Smalling (13,6 triệu bảng tăng lên 18 triệu bảng), Morgan Schneiderlin (22 triệu bảng tăng lên 24 triệu bảng), Memphis Depay (16 triệu bảng tăng lên 21,7 triệu bảng), Adnan Januzaj (9,8 triệu bảng), Sam Johnstone (6,5 triệu bảng tăng lên 10 triệu bảng), Daley Blind (14,1 triệu bảng tăng lên 18,5 triệu bảng). Trong số này, không một ai thuộc dạng ngôi sao lớn để đem về một khoản lãi đáng kể cho đội chủ sân Old Trafford.

Khi Louis van Gaal tiếp quản chiếc ghế nóng do David Moyes để lại, ông thầy người Hà Lan đã mạnh tay thanh lọc đống tàn dư kém chất lượng tại phòng thay đồ của đội bóng. Hành động này của Van Gaal không sai về tính chất nhưng cách thực hành để lại nhiều hậu quả. Tất cả các cầu thủ rời đi dưới thời Van Gaal đều có giá quá bèo như vụ Burnley mua Will Keane với giá 2 triệu bảng, Wilfried Zaha được bán với giá 6 triệu bảng, West Brom cũng trả giá đó để có Jonny Evans, Nani đến Fenerbahce với giá 4,3 triệu bảng và Robin van Persie 4,7 triệu bảng. Lyon có được Rafael da Silva với giá 2,5 triệu bảng và Javier Hernandez có giá của Bayer Leverkusen 7,3 triệu bảng.

Sau đó, Keane được Burnley bán với giá 30 triệu bảng, Palace từ chối lời đề nghị trị giá 70 triệu bảng cho Zaha từ Everton vào năm 2019. Evans từng nhận được sự quan tâm từ Manchester City và Leverkusen bán Hernandez với giá 16 triệu bảng sau 2 năm. Van Gaal đã vội vàng khi muốn thanh lí dẫn đến nguồn tiền chảy về túi câu lạc bộ quá ít. Đặc biệt, nó biến những cầu thủ bị M.U bán đi được định danh trên thị trường chỉ là những món hàng rẻ mạt. 

Harry Maguire nói muốn ở lại, Ten Hag có muốn bán cũng không được. Ảnh: AFP

Một trong những cái khó nữa của "Quỷ đỏ" đó là những lần gia hạn hợp đồng không có tính toán kĩ, hoặc đơn giản là tính sai. Nhiều cầu thủ chỉ ở mức tạm thời lóe lên trong giai đoạn ngắn nhưng lại được định vị như một nòng cốt dài hạn. Khi cầu thủ đó vừa kí hợp đồng mới, lập tức đá tệ và không bán được bởi mức giá để phá hợp đồng quá cao.

Vụ của Eric Bailly là điển hình khi trung vệ người Bờ Biển Ngà được gia hạn thêm 3 năm vào tháng 4.2021. Sau đó, Bailly dù không tệ về thái độ nhưng chấn thương liên miên, khiến M.U dù hạ giá nhiều lần nhưng cũng không có đội nào muốn rước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn