MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Man United vừa có thành tích tệ trên sân, vừa có những nỗi lo ở thượng tầng về vấn đề tài chính. Ảnh: AFP

Thua lỗ 5 năm liên tiếp, Man United có nên quá lo lắng?

VIỆT HÙNG LDO | 13/09/2024 07:00

Báo cáo tài chính 2023-2024 của Man United đã được công bố và đây là năm thứ 5 liên tiếp, "Quỷ đỏ" không thể có lãi.

Man United vừa công bố khoản lỗ ròng trong năm tài chính 2023-2024 là 113,2 triệu bảng Anh. Mùa vừa rồi, đội chủ sân Old Trafford đạt mức doanh thu đáng nể nhưng do đầu tư quá nhiều và nợ cũ vẫn còn đọng nên lợi nhuận vẫn ở mức âm. Họ đạt mức doanh thu lên tới 661,8 triệu bảng do tăng được số tiền bán bản quyền truyền hình.

Khi tiếp quản lại đội bóng, Sir Jim Ratcliffe và đội ngũ của ông ở tập đoàn INEOS xác định rất rõ việc phải gồng nợ trong một vài năm đầu tiên. Nhiệm vụ cấp bách là cân bằng thu - chi và rà soát lại toàn bộ văn bản, giấy tờ về tài chính. Sau khi ổn định phần nào đó được việc này, INEOS mới vung tiền trên thị trường chuyển nhượng để mua cầu thủ và tính dần tới việc xây sân nhà mới.

Lần cuối cùng Man United báo cáo có lãi là năm 2019. 5 năm trôi qua, từ việc quản lý yếu kém của ekip cũ với người đứng đầu là Ed Woodward, cho đến thời điểm COVID-19 càn quét,... có rất nhiều lý do đã khiến Man United không thể vực dậy về tài chính. Ngay khi mới đến đội bóng, việc Sir Jim làm đầu tiên là cắt giảm chi phí, đánh mạnh vào sa thải bớt nhân viên và thanh lý dần những cầu thủ không còn hữu dụng nhưng lại nhận lương cao.

Việc cân bằng tài chính và ổn định dòng tiền là ưu tiên của Sir Jim Ratcliffe. Ảnh: AFP

Minh chứng rõ ràng nhất là từ khi lên nắm quyền, đội ngũ của Sir Jim Ratcliffe đã cắt giảm 250 việc làm và bán được rất nhiều ngôi sao. Bên cạnh đó, chiến lược chuyển nhượng mới cũng được vạch ra rất rõ. Man United chỉ chiêu mộ những cầu thủ dưới 25 tuổi, nếu là ngoại lệ thì lương người đó không được cao. Chính sách này sẽ được coi là kim chỉ nam trong nhiều năm tới với đội ngũ tuyển trạch của câu lạc bộ.

Ngoài khoản lỗ ròng, khoản lỗ trước thuế của Man United là 130,7 triệu bảng. Theo quy tắc về lợi nhuận và tính bền vững của Premier League (PSR), lợi nhuận hoặc lỗ trước thuế của một câu lạc bộ là điểm khởi đầu để tính toán. Theo PSR, các đội bóng Anh không được lỗ 105 triệu bảng trong 3 năm liên tiếp. Trong khi đó, tổng khoản lỗ trước thuế của Man United trong chu kì PSR ba năm của mùa giải trước là 312,9 triệu bảng.

Trong cách tính của mình, PSR sẽ không xét đến các khoản chi cho bóng đá cộng đồng, bóng đá nữ, bóng đá học đường và các hoạt động an sinh xã hội của mỗi câu lạc bộ. Bên cạnh đó, trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, đội nào cũng lỗ nên Premier League có thể châm chước cho chu kì 3 năm (2021 đến 2024). Về phần mình, Man United cam kết luôn tuân thủ các quy tắc chi tiêu của Premier League và UEFA.

Việc đưa về những ngôi sao trẻ như Joshua Zirkzee là tôn chỉ về chuyển nhượng của Man United trong thời gian tới. Ảnh: AFP

"Khi tôi đảm nhiệm vai trò CEO, mọi người trong đội ngũ đều nỗ lực hết sức để hình thành một tương lai tươi sáng cho câu lạc bộ với trọng tâm là thành tích của bóng đá.

Đội ngũ ban lãnh đạo đang hướng đến tính bền vững về mặt tài chính cao hơn. Để làm được điều đó, chúng tôi cần thực hiện những thay đổi đối với hoạt động nội bộ. Man United đang cố gắng tận dụng nguồn lực sẵn đó để nâng cao hiệu suất và thành tích trên sân cỏ.

Hôm nay, chúng tôi sẽ công bố những điều đáng quan tâm cho năm tài chính 2025, trong đó nổi bật là tiết kiệm chi phí. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng trọng việc chuyển đổi về cơ cấu của tổ chức. Cả đội ngũ đã làm việc suốt mùa hè vừa qua để cân bằng được điều này" - Omar Berrada chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn