MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định ở vòng 1 LS V.League 2020 diễn ra trên sân Hàng Đẫy kém đi phần hấp dẫn khi vắng khán giả. Ảnh: HUỲNH DÂN

Từ Bundesliga đến V.League: Cơ hội kiếm tiền từ những khán đài "người ảo"

HOÀI MINH LDO | 20/05/2020 18:08

Ở nhiều khía cạnh tích cực, V.League có thể học theo cách kiếm tiền từ những khán đài không khán giả như một số câu lạc bộ tại Bundesliga và K.League.

Khán giả không đến sân vẫn giúp tạo doanh thu

Ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát phần nào, nhiều giải vô địch quốc gia Châu Á và Châu Âu đã lên kế hoạch tái khởi động. Tại lục địa già, Bundesliga xứng đáng là "lá cờ đầu" đưa bóng đá đỉnh cao trở lại các sân cỏ Đức. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn cấm cửa khán giả, thậm chí còn hạn chế số lượng nhân viên đến mức tối thiểu. Điều tương tự cũng xảy ra tại giải K.League (Hàn Quốc) tại Châu Á.

Bóng đá không có khán giả là "bóng đá chết". Câu nói này chắc chắn đúng nhưng sẽ không thể áp dụng vào trường hợp của Bundesliga hay K.League thời điểm hiện tại. Khán giả ở đây không chỉ gói gọn ở những người có mặt trên sân chứng kiến trực tiếp trận đấu, mà còn là tất cả những ai quan tâm đến đội bóng, giải đấu. 

Nhìn nhận theo ý nghĩa này, Bundesliga và K.League hoàn toàn không thiếu khán giả. Những người hâm mộ luôn cổ vũ và dõi theo đội bóng qua màn hình TV, điện thoại. Theo công bố trên trang DWDL.de, các trận đấu Bundesliga đã thu hút trên 6 triệu người xem ở riêng hạ tầng truyền hình kể từ khi đá lại vào ngày 16.5. 

Bundesliga đã trở lại. Ảnh: Getty 

Còn với K.League, bản quyền giải đấu đã được bán cho 36 quốc gia và phát miễn phí trên Youtube và Twitter. Chắc chắn, tỉ suất người xem sẽ không phải một con số nhỏ. Tất cả những điều đó là "miếng bánh" tuyệt vời cho các đội bóng kiếm tiền.

Monchengladbach chính là một trong những đội bóng tiên phong tạo ra lợi nhuận nhờ sự quan tâm của khán giả. Chính dịch "Stay at home. Be in the stands" (Ở nhà nhưng vẫn có mặt ở trên khán đài) được tổ chức nhằm kêu gọi các fan mua bìa carton cỡ lớn in hình chính mình để lấp đầy sân nhà. 

Từ trước khi giải đấu tái khởi động, hơn 8.000 cổ động viên đã chấp nhận bỏ khoảng 16,5 euro để cổ vũ đội bóng theo hình thức này. Con số này sau đó còn tiếp tục tăng và M’gladbach lãi lớn.

"Khán giả" vẫn có mặt trên sân của Monchengladbach. Ảnh: Talksport.

Tại Hàn Quốc, nhiều đội bóng cũng chèn thêm tiếng khán giả để tăng tính sôi động cho trận đấu. Nhưng để chân thực hơn và có thêm doanh thu, FC Seoul đã có cách làm rất độc lạ, dù vô tình thành phản cảm và đang phải chịu chỉ trích.

Đội bóng này dùng các ma-nơ-canh có kích thước như người thật, trong đó có cả những búp bê tình dục để thay thế khán giả mà theo bào chữa sau đó do bị chỉ trích là phía đối tác nhầm lẫn. Đương nhiên, đội bóng sẽ không thể thu phí từ cổ động viên như Monchengladbach. Đổi lại, FC Seoul sẽ nhận được tiền quảng cáo từ doanh nghiệp địa phương.

FC Seoul kiếm tiền từ hình ảnh phản cảm .Ảnh: Yonhap News

Nhìn sang V.League, học được gì và cần tránh gì?

Ví dụ của Bundesliga và K.League đã chứng minh, thể thao Âu hay Á cũng đều có thể kiếm tiền nếu như đủ nhạy bén, sáng tạo. Ban tổ chức và các đội V.League cũng có thể học được nhiều điều, nhất là khi bóng đá Việt Nam có nhiều sân bóng có những khán đài đáng ước mơ vì luôn đông kín khán giả.

Nhiều câu lạc bộ tại V.League như Nam Định, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An... có lực lượng cổ động viên hùng hậu. Việc bán quảng cáo như Hàn Quốc là ý kiến hay, khi bóng đá đang là "hot trend" ở Việt Nam khoảng 2 năm trở lại đây.

Khi V.League trở lại sau nhiều ngày ngóng đợi, khán giả được vào sân và thật tiếc, nếu các đội bóng không biết cùng các nhà tài trợ, nhãn hàng tìm cách khai thác thương mại.

Nam Định là câu lạc bộ có số lượng khán giả đến sân đông nhất V.League. Ảnh: M.Đ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn