MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ Giang Tô đến Inter: Nỗi lo bóng đá kiểu bong bóng

HOÀI MINH LDO | 03/03/2021 13:00

Giang Tô (Jiangsu) đã ngưng hoạt động, sau khi rút tên khỏi Tập đoàn Suning, đó là chuyện đáng suy nghĩ về đường hướng phát triển của bóng đá Trung Quốc.

Kiểu bóng đá lệ thuộc

Vụ việc câu lạc bộ Giang Tô thông báo ngừng hoạt động là thông tin gây chấn động với bóng đá Trung Quốc, thậm chí nhận được quan tâm của truyền thông Châu Âu. Dù thực tế với "những người hiểu nội tình", đó không phải chuyện lạ khi chỉ 2 năm qua, 16 đội bóng đã bị "rút" khỏi làng bóng đá xứ tỉ dân.

Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) cũng rất chú ý đến vấn đề này và đã có liên lạc với các câu lạc bộ để hỗ trợ giải quyết vấn đề. Sau cùng, CFA dù tiếc nuối nhưng vẫn tôn trọng sự lựa chọn của các câu lạc bộ. Liên đoàn giờ yêu cầu các đội bóng rút nhà tài trợ khỏi tên đội, và... cái "chết yểu" đến, ví như Giang Tô.

"CFA biết ơn vì sự đóng góp của câu lạc bộ Giang Tô. Liên đoàn sẽ tiếp tục làm việc hết sức để thực hiện "Kế hoạch tổng thể cải cách và phát triển bóng đá Trung Quốc", đồng thời thúc đẩy cải cách bóng đá, tăng cường các công tác bóng đá cơ bản khác nhau.

Bóng đá trẻ sẽ là nội dung chính, cải thiện hệ thống giải đấu chuyên nghiệp và liên kết tốt hơn lực lượng bóng đá quốc gia. Hãy làm việc vì sự phát triển của bóng đá Trung Quốc", trích tuyên bố của CFA.

Giấc mơ của Trung Quốc là trở thành cường quốc bóng đá vào năm 2050. Đất nước tỉ dân chưa từng tiếc tiền để xây học viện, đưa cầu thủ đi Châu Âu "du học", nâng tính chuyên nghiệp và hấp dẫn cho các giải quốc nội. Những phương án phát triển song hành cả về nội lực lẫn ngoại lai đủ độ rộng để thay đổi "sắc thái" một nền bóng đá, nhưng dường như chưa đủ sâu thực sự nâng tầm bản chất. Sự vụ của Giang Tô đã phơi bày sự thật về kiểu phát triển "bong bóng" và lệ thuộc của bóng đá Trung Quốc.

Trong chương trình "Bóng đá 100 điểm" của kênh truyền hình Bắc Kinh, cựu cầu thủ Vương Trường Khánh (Wang Changqing) đã nhận định thẳng thắn: "Chúng ta luôn nhắc về sự chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia nhưng nó vẫn giống như các giải đấu của công ty hơn, chưa đủ tính chuyên nghiệp. Chúng tôi có thể mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận gì? Không có bất cứ điều gì. Do đó, các tập đoàn sẽ không thực sự để tâm".

Không ai rõ hơn người trong cuộc, và lời chia sẻ của một cầu thủ có 15 năm thi đấu tại Chinese Super League là đủ để tất cả nhìn lại nhiều vấn đề. Giữa khó khăn thời COVID-19, Chủ tịch Trương Cận Đông (Zhang Jindong) của Tập đoàn Suning hồi đầu tháng 2 đã ám chỉ về một sự thay đổi. Đó là quyết định có thể hiểu được, nhưng sẽ là thiếu sót nếu chừng đó là đủ khiến bóng đá Giang Tô phải ngưng hoạt động.

Chuyện đội bóng lệ thuộc vào túi tiền của một ông bầu thì ở đâu cũng có. Tuy nhiên, cái thiếu sót có thể là sự chung tay từ chính địa phương, doanh nghiệp địa phương ban ngành và cổ động viên. Họ có thể là những người "nuôi sống" đội bóng, thay vì các "ông chủ thời vụ". Chuyên gia Cameron Wilson từng viết cho The Guardian nhận định, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào bóng đá chủ yếu "để ghi điểm". Khi không có quyền lợi hay đặc quyền, họ "rút bầu sữa" và đội bóng... "chết".

Sao Châu Âu tại Trung Quốc và dấu ấn Trung Quốc tại trời Âu

Sau khi câu lạc bộ Giang Tô ngừng hoạt động, một lượng lớn cầu thủ lập tức trở thành "món hàng" được săn đón tại giải Trung Quốc, thậm chí tại Châu Âu và Nam Mỹ. Miranda, Eder và Vacasso là những ngoại binh đang tìm bến đỗ mới. Trong số đó, trung vệ Miranda đang được Sao Paulo (Brazil) quan tâm, nhưng chuyện hồi hương bị vướng mắc vì mức lương lên đến 5 triệu Euro.

Miranda là trường hợp điển hình cho các ngôi sao đến Trung Quốc vì thu nhập cao, và giờ khoản lương kếch sù lại là rào cản nếu muốn ra đi. Những ngôi sao khác như Axel Witsel, Yannick Carrasco, Hulk hay Jackson Martínez đều từng vướng mắc về thu nhập, khi từ Trung Quốc tìm đường trở lại Châu Âu.

Chính sách "Kim Viễn" giúp giải đấu hàng đầu Trung Quốc tăng thương hiệu nhưng gây ra nhiều hệ lụy. Mức lương cao ngất ngưởng của cầu thủ không chỉ gây khó trong chi phí hoạt động của câu lạc bộ mà còn trực tiếp tạo nên "rào cản" cho chính cầu thủ ở tương lai.

Khi Tập đoàn Sunning rút khỏi bóng đá, sự lo lắng đổ dồn vào các đội bóng Châu Âu có ông chủ Trung Quốc. Câu chuyện của Giang Tô không chỉ là chuyện một địa phương, một doanh nghiệp mà còn là một kiểu cách làm bóng đá. Inter Milan có chung chủ với Giang Tô ngay lập tức phát đi thông điệp: "Sunning đã cam kết tài chính" để xoa dịu người hâm mộ.

Nói về việc này trong chương trình "Bóng đá 100 điểm", cựu cầu thủ Vương Trường Khánh so sánh Giang Tô với Inter Milan: "Inter được quan tâm và có thể hoạt động tiếp, bởi Serie A còn chứng minh giá trị. Giang Tô ngưng hoạt động vì không mang lại lợi ích cho nhà đầu tư".

Bóng đá Trung Quốc từng "muối mặt" vì "đại gia dỏm" Li Yonghong mua AC Milan và để biểu tượng Italia sống lay lắt. Sunning đã vớt vát lại hình ảnh xứ tỉ dân, với những thay đổi của Inter ở thời điểm hiện tại. Nhưng biết đâu đấy, "vì khó khăn tài chính"...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn