MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức cần trở thành điểm tựa tinh thần, giúp các cầu thủ trẻ vững vàng tâm lý ngay khi nhập cuộc. Ảnh: VFF

U23 Việt Nam và vấn đề tâm lý trận ra quân

TAM NGUYÊN LDO | 06/05/2022 11:21

Vượt qua được trạng thái tâm lý ban đầu, U23 Việt Nam vẫn có khả năng thắng trận ra quân tại SEA Games 31.

Thời khắc quan trọng nhất của vòng bảng SEA Games 31 với U23 Việt Nam, thật thú vị, lại đến ngay ở trận ra quân. U23 Việt Nam gặp U23 Indonesia để mở một nửa cánh cửa vào bán kết…

Không quá sớm để nói đến bán kết, bởi ở bảng A, chủ nhà U23 Việt Nam và U23 Indonesia được đánh giá cao nhất cho khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, U23 Myanmar, U23 Philippines và U23 Timor-Leste là những trở ngại không quá đáng sợ.

Nói về trận ra quân, tâm lý là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu như bỏ qua áp lực về chuyện U23 Việt Nam phải bảo vệ tấm huy chương vàng, vẫn còn những sức ép khổng lồ dành cho các cầu thủ trẻ của huấn luyện viên Park Hang-seo. Họ, có những người đã lên tuyển quốc gia và đá các trận quan trọng, có những nhân tố từng tham dự các giải giao hữu gần đây như Dubai Cup hay giải U23 Đông Nam Á, nhưng SEA Games mới là lần đầu tiên.

Bóng đá ở một kỳ Đại hội thể thao luôn là một cảm giác khác, đầy sức nóng và những thử thách ngập tràn. Bóng đá ở SEA Games cũng khác AFF Cup, cho dù vẫn loanh quanh là các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á. Ở SEA Games, bóng đá nam Việt Nam mới chỉ 1 lần vô địch dù nhiều lần vào chung kết. Về mặt ngữ nghĩa, vẫn chưa thể khẳng định vị thế so với Thái Lan, Malaysia. Do vậy, sức ép luôn hiển hiện.

U23 Việt Nam từng thắng U23 Indonesia ở chung kết SEA Games 30 là một động lực quan trọng về tâm lý. Ảnh: VFF

Nếu các đối thủ là sức ép trực tiếp, việc thi đấu trên sân nhà vừa là động lực, vừa là sức ép lớn với các cầu thủ, nhất là trong bối cảnh năng lực của thế hệ cầu thủ này bị đặt lên bàn cân so với dàn sao đã mang về tấm huy chương vàng cách đây 3 năm. U23 Việt Nam hẳn nhiên cần sự khích lệ từ cổ động viên nhà thay vì tạo sức ép bằng những tiếng huýt sáo, la ó nếu cầu thủ nhập cuộc không tốt...

Trở lại với vị thế của đội đương kim vô địch, sức ép dành cho lứa cầu thủ này cũng đến theo một cách khác. Theo đó, thay vì đi “săn vàng”, họ trở thành “kẻ bị săn đuổi” và phải bảo vệ vị thế của mình trước mọi đối thủ đều muốn ngáng đường.

Những vấn đề đó có thể trở thành rào cản tâm lý vô cùng lớn trong trận đấu đầu tiên, trước đối thủ mạnh, dù cùng lứa nhưng được chinh chiến nhiều, có những người đang chơi bóng ở nước ngoài, đã lên tuyển quốc gia và giữ vai trò quan trọng. Hơn nữa, U23 Indonesia – do huấn luyện viên Shin Tae-yong dẫn dắt, đến và hoàn toàn có thể chủ động về chiến thuật, giống như cách mà chiến lược gia này đã chọn ở AFF Cup. Khi đó, tuyển Indonesia chủ động đá phòng ngự thực dụng để lấy 1 điểm. Gây được sự ức chế cho U23 Việt Nam, U23 Indonesia sẽ trở nên nguy hiểm.

U23 Indonesia phản công tốt, nhưng hẳn nhiên, chỉ cần nhận thấy U23 Việt Nam có vấn đề về tâm lý, không có lý do gì để họ không chớp thời cơ, ghi bàn và rồi co về. Đây chính là vấn đề mà thầy Park bên ngoài và bộ ba Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh cần hỗ trợ cho các cầu thủ trẻ. Họ cần thấy các đàn anh của mình chơi tốt, có mặt đúng lúc, đúng thời điểm để hỗ trợ, sự tự tin sẽ tăng dần.

Khi kiểm soát được tình hình, đó mới là thời điểm triển khai các phương án tấn công. Ở các trận giao hữu trước giải, hàng thủ U23 Indonesia vẫn để thủng lưới và đó là cơ sở để U23 Việt Nam có thể tận dụng, nhất là khi có kinh nghiệm chọn chỗ của Hùng Dũng và Hoàng Đức.

Cũng có một yếu tố có thể giúp các cầu thủ trẻ tự tin là thành tích đối đầu với U23 Indonesia. Theo đó, trong 5 trận gặp nhau gần nhất kể từ năm 2015, U23 Việt Nam không thua trận nào (thắng 4, hòa 1) ở cả SEA Games và giải U23 Châu Á.

DỰ ĐOÁN: U23 Việt Nam 2-1 U23 Indonesia

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn