MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Son Heung-min gần như suy sụp sau khi làm Andre Gomes chấn thương nặng. Ảnh: AFP

Ứng xử của sao thế giới khi làm đồng nghiệp chấn thương như Hùng Dũng

TAM NGUYÊN LDO | 24/03/2021 15:24

Không ít cầu thủ trên thế giới đã dính chấn thương giống như Hùng Dũng và cách “tội đồ” ứng xử sau đó mang đến nhiều điều suy ngẫm.

Tối 23.3, tiền vệ Hùng Dũng của Câu lạc bộ Hà Nội phải nhận một pha vào bóng thô bạo khiến anh gãy cả xương chày và xương mác. Hoàng Thịnh, người thực hiện pha bóng đó, đã có những lời đầu tiên để giải trình cho hành động của mình.

Cách xử lý của cầu thủ 28 tuổi có được chấp nhận hay không thì miễn bàn, bởi cách ứng xử sau sự cố lại tùy thuộc vào mỗi người. Bóng đá thế giới chứng kiến nhiều chấn thương tương tự, như Andre Gomes, Luke Shaw, Aaron Ramsey, Ryan Shawcross gần đây hay xa hơn là Eduardo da Silva, Dijbril Cisse…

Sự phẫn nộ - phần lớn là như thế, hướng về phía những người đã gây ra tai nạn cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, cách họ phản ứng với hành vi của mình ngay sau đó nói lên bản chất con người, để rồi thấy rằng, nhiều sự việc xảy ra không nằm trong phạm trù ý thức.

Hẳn nhiều người chưa quên được hình ảnh Son Heung-min khóc nức nở, đến mức tưởng như anh sẽ suy sụp, khi biết mình làm cho Gomes chấn thương mắt cá và phải nghỉ gần 4 tháng. Sau đó, khi ghi bàn vào lưới Red Star Belgrade ở Cúp Châu Âu, tuyển thủ Hàn Quốc dành tặng nó cho tiền vệ câu lạc bộ Everton cùng lời xin lỗi.

Cách Son phản ứng và ứng xử sau đó là một lời nhắc nhở rằng, sau những tình huống như thế, việc quay lưng bỏ đi là không hề dễ dàng, dù với Son, đó chỉ là một tai nạn. Chỉ trừ khi hành động xuất phát từ chủ đích.

Cựu đội trưởng của Manchester United, Roy Keane, hành động hoàn toàn mang tính chủ đích nhưng không nhằm để triệt hạ đối phương. Ảnh: Premier League

“Nhận lấy nhé”, Roy Keane cúi mặt xuống chỗ Alf-Inge Haaland đang nằm, hét vào mặt đối thủ rồi bỏ đi vào đường hầm vì biết chắc mình phải nhận thẻ đỏ. Đó là năm 2001, ở trận derby giữa Manchester United và Manchester City, Keane đạp thẳng vào đầu gối cầu thủ mà 4 năm trước đó từng dè bỉu ông giả vờ chấn thương đầu gối.

Cú đạp đó như để diễn giải cho đối thủ hiểu “chấn thương giả” và “chấn thương thật” khác nhau thế nào, để rồi giải thích rõ hơn sau đó - trong cuốn tự truyện, rằng đó là một hành động để trả thù vì đã chế nhạo mình.

Cựu đội trưởng của Man United cũng nói rằng, ông “biết sự khác biệt giữa việc làm tổn thương ai đó (mang ý cố tình) và làm ai đó chấn thương (hành vi không chủ đích)”, để cho thấy, cá tính con người dễ dàng bộc lộ trong hoàn cảnh đặc biệt.

John Fashanu, người từng làm nứt hộp sọ của Gary Mabbutt dẫn đến kết thúc sự nghiệp, trả lời thẳng thừng: “Đó chẳng phải là ngày tận thế, đừng thổi phồng lên theo kiểu 'Ôi trời, tôi sẽ tự tử, tôi chẳng thể ăn uống được gì’. Không", khi được hỏi liệu việc làm một cầu thủ chấn thương có khiến cuộc sống có bị ảnh hưởng hay không.

Với Son, sự hối hận được thể hiện ngay lập tức và nó gợi lại chuyện của Manuel Pablo và Everton Giovanella ở trận derby xứ Galicia giữa Deportivo và Celta Vigo. Sau pha va chạm, như Pablo kể lại là anh thấy chân mình “lủng lẳng ở đó”, còn Giovanella ôm đầu, nước mắt trào ra và nói rằng sẵn sàng đổi chỗ.

2 ngày sau, vẫn trong tâm trạng tồi tệ, Giovanella đi 160km để đến bệnh viện thăm Pablo, và chính “nạn nhân” lại an ủi ngược lại, như cách các cầu thủ Everton tìm đến Son để an ủi.

Giovanella và Pablo sau đó trở thành bạn, nhưng với Shaka Hislop và Pier Luigi Casiraghi thì chuyện đi theo hướng khác, sau khi cựu thủ môn người Anh làm tiền đạo người Italia phải giã từ sự nghiệp. “Anh ấy hẹn tôi ngày gặp lại trên sân cỏ, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra”, Hislop kể lại sau khi đến bệnh viện thăm đồng nghiệp.

Andoni Goikoetxea được gắn cho biệt danh “Gã đồ tể” sau pha bóng khiến
huyền thoại Diego Maradona gãy mắt cá chân. Ảnh: FootyFair

Andoni Goikoetxea, cựu trung vệ của Athletic Bilbao, hiểu rất rõ “cuộc sống như địa ngục” sau khi làm vỡ mắt cá chân Diego Maradona năm 1983. Pha bóng được miêu tả là một trong những pha phạm lỗi “tàn bạo nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha” và Maradona thì so sánh với “tiếng thanh gỗ bị bẻ”, khiến Goikoetxea phải mang theo biệt danh “Gã đồ tể”.

Trong nhiều năm sau, ông vẫn day dứt với chuyện đó và biết rằng, ký ức sẽ không bao giờ biến mất…

Sự day dứt, hay nói nặng nề hơn là “bản án lương tâm”, sẽ luôn ám ảnh những người “gây tội”, cho dù sự việc xảy ra có phải là tai nạn hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn