MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

VAR kiểu mới thử nghiệm tại Champions League sẽ hoạt động như thế nào?

VIỆT HÙNG LDO | 04/09/2022 18:04

Trước khi được chính thức đưa vào sử dụng tại World Cup 2022, VAR kiểu mới sẽ được thử nghiệm tại Champions League, báo hiệu về một ngày thất nghiệp không xa với các trợ lý trọng tài. 

VAR kiểu mới sẽ hoạt động ra sao?

Sẽ có 12 camera được lắp ở dưới mái vòm sân vận động, theo dõi trái bóng lăn trên sân và 29 điểm trên mỗi cầu thủ, thu thập được khoảng 180 triệu mẩu dữ liệu trong suốt trận đấu. 

Do đó, khi có tình huống tranh cãi, chỉ sau vài giây, một bản đồ họa 3D về pha bóng đó sẽ được phát lại. Hệ thống VAR mới sẽ tự đưa ra đánh giá, trước khi các trọng tài đưa ra quyết định cuối cùng. Những tình huống đó, người hâm mộ theo dõi qua truyền hình sẽ được nhìn lại vào giờ nghỉ giải lao giữa 2 hiệp hoặc khi hết trận.

FIFA dự kiến, từ khâu xử lý hình ảnh đến khi đưa ra quyết định cuối cùng sẽ chỉ mất khoảng 25 giây, được tính toán sẽ kết thúc trước khi các cầu thủ ăn mừng xong. Tốc độ xử lý này nhanh gần gấp 3 lần so với hiện tại (70 giây). Đây là điều rất ưu việt tuy nhiên vẫn loại trừ một vài trường hợp ít xảy ra như thủ môn bị che mất tầm nhìn.

VAR mới sẽ giúp các tình huống tranh cãi được quyết định nhanh hơn. 

Người hâm mộ sẽ tin tưởng VAR mới?

Tại Champions League mùa trước và EURO nữ vừa qua, nó đã được thử nghiệm ở mảng hậu trường. Ở các giải đấu bán chính thức như FIFA Club World Cup, cựu vô địch Chelsea cũng có dịp trải nghiệm vào năm 2021. Lần chính thức đầu tiên và duy nhất đến lúc này, VAR mới được dùng trong trận UEFA Super Cup giữa Real Madrid và Eintracht Frankfurt.

Do cũng sử dụng các nền tảng của công nghệ Hawk-Eye nên độ sắc nét của hình ảnh VAR mới đem lại thực sự đáng tin về tính chân thực. Giám đốc điều hành của Hawk-Eye chia sẻ, tốc độ xử lý thông tin và kết quả càng nhanh thì càng tăng được sự tin tưởng.

VAR mới sẽ cảm nhận được lực tác động vào bóng và các tình huống việt vị tranh cãi

Tại World Cup 2022, FIFA kết hợp cùng Adidas tạo ra trái bóng có cảm biến bên trong, theo dõi dữ liệu với tốc độ 500 lần/giây, qua đó tăng độ chính xác lên cao hơn nữa. Trong khi đó, tại Champions League, tác động vào bóng có hay chưa chỉ được xác định qua camera.

Theo cựu danh thủ của M.U - Denis Irwin, người hâm mộ có thể bớt tranh cãi hơn sau khi xem được sự chính xác một cách công khai.

Sự chính xác này đương nhiên là tin rất tốt vì nó đảm bảo sự công bằng. Tin xấu ở chỗ, việc "hơn nhau một cái móng chân" cũng có thể việt vị sẽ trở lại, trước đó Premier League từng khiến nó mất đi khi kẻ vạch việt vị trên công nghệ VAR với độ dày lớn hơn.

Tại World Cup, việt vị là việt vị, không nhân nhượng như Premier League hay Champions League.

Man City từng trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc vì VAR trong loạt bán kết Champions League 2018-2019 với Tottenham. Ảnh: UEFA

Tương lai của hệ thống VAR này có tươi sáng không?

Công nghệ mới này thậm chí có thể xác định vị trí bóng đập vào cánh tay của mỗi hậu vệ trong vòng cấm, từ đó quyết định xem có penalty hay không. Nó cũng có thể cho biết vị trí va chạm ở phần chân của cầu thủ phạm lỗi với đối phương.

Một công nghệ hiện đại như vậy nếu chỉ để sử dụng trong bóng đá, ở các giải lớn, sẽ là sự phí phạm. Tuy nhiên, do nhiều đặc điểm nổi bật về công nghệ, VAR kiểu mới này có thể được dùng trong các trò chơi điện tử.

Nó sẽ có tương lai trong thời đại công nghệ này nhưng có thể trực tiếp khiến nhiều trọng tài mất việc bởi giờ đây, công việc của con người đã có máy móc làm hộ. Từ giờ đến lúc đó, các trọng tài có chăng cũng nên chuyển mình và nghĩ ra việc mới để làm trên sân?

Các trọng tài biên sắp mất việc? Ảnh: AFP

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn