MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần phải mua bản quyền World Cup để phát sóng các trận đấu tại giải. Ảnh: FIFA

Vi phạm bản quyền World Cup sẽ bị xử phạt thế nào?

TAM NGUYÊN LDO | 17/10/2022 19:09
Việc phát sóng lậu, vi phạm bản quyền World Cup có thể bị xử lý theo các hình thức từ hành chính đến hình sự. 

Tại Việt Nam, câu chuyện bản quyền World Cup 2022 đang “nóng”. Trong khi người hâm mộ chờ để biết Việt Nam có được xem trực tiếp giải đấu diễn ra ở Qatar vào mùa đông này hay không thì một vấn đề liên quan cũng rất đáng quan tâm là chuyện vi phạm bản quyền.

Tình trạng vi phạm bản quyền World Cup nói riêng và các sự kiện thể thao nói chung xảy ra tràn lan. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo các hình thức từ hành chính đến hình sự.

Vấn đề bản quyền và mua bản quyền xuất phát từ các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức. Bản quyền trong lĩnh vực truyền hình có thể hiểu là quyền tác giả hoặc quyền liên quan đến tác giả.

Đối chiếu với các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, vấn đề mua bán bản quyền World Cup 2022 được xem xét thực hiện theo các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả. 

Theo đó, hiện nay các trận đấu tại World Cup 2022 được tổ chức bởi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Các trận đấu này được ghi hình lại và việc sở hữu bản ghi hình này đã xác lập quyền liên quan đến quyền tác giả của FIFA.

Như vậy, quyền bán bản ghi hình các trận đấu World Cup 2022, ban đầu thuộc về nhà sản xuất, phát sóng là FIFA. Tuy nhiên, FIFA chuyển nhượng quyền này cho các tổ chức phân phối khác để bán lại cho các đơn vị truyền hình tại các quốc gia.

Do đó, để có thể phát sóng các trận đấu World Cup 2022, đơn vị truyền hình tại Việt Nam phải mua bản quyền phát sóng các trận đấu từ các tổ chức phân phối đã được FIFA chuyển nhượng. Việc phát sóng mà không mua bản quyền là vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ.

Trong nhiều năm, khi đài truyền hình quốc gia sở hữu bản quyền các giải đấu lớn, mối lo lớn luôn là bị ảnh hưởng, thậm chí bị dọa cắt sóng, bởi ảnh hưởng từ những kênh, website và cả những cá nhân phát sóng lậu. Phát sóng lậu được hiểu là trình chiếu, phát sóng khi chưa mua bản quyền từ nhà sản xuất, nhà phân phối.

Bản quyền World Cup 2022 được chào bán ở Việt Nam với giá 15 triệu USD. Ảnh: FIFA

Vi phạm bản quyền World Cup bị xử phạt thế nào?

Theo Thư viện pháp luật, về trách nhiệm hành chính, căn cứ Điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định:

Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Mức xử phạt này là đối với hành vi của cá nhân, trường hợp người vi phạm là tổ chức khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân, căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

Về trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự

Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà trong trường hợp này là đối với tội danh Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (một số khoản được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Ngoài ra, các cá nhân tổ chức vi phạm còn phải chịu thêm các biện pháp dân sự theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm:

Các biện pháp dân sự

Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại; 5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn