MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Arsenal vẫn bỏ nhiều tiền để mua cầu thủ nhưng kết quả không thực sự như ý. Ảnh: Daily Mail

Vì sao Arsenal khó đua tranh danh hiệu lớn?

TAM NGUYÊN LDO | 28/07/2022 16:48

8 năm qua, Arsenal mang về phòng truyền thống 8 chiếc cúp... 

Vẫn đầu tư nhiều...

Arsenal đang tạo cho các cổ động viên của họ một “thói quen hạnh phúc vào mùa hè”. Những năm gần đây, “Pháo thủ” đã thay đổi, trở nên mạnh tay hơn trong hoạt động chuyển nhượng, đem lại sự phấn khích cho người hâm mộ.

Mùa chuyển nhượng hè 2022 chưa kết thúc nhưng tính đến lúc này, Arsenal đang có năm thứ hai liên tiếp là đội chi tiêu nhiều nhất tại Anh để tăng cường nhân sự. Gabriel Jesus, Oleksandr Zinchenko, Fabio Vieira, Matt Turner, Marquinhos là những cái tên khiến Arsenal thậm chí còn là đội đầu tư mạnh tay nhất ở Châu Âu lúc này (132,06 triệu Euro).

Năm ngoái, họ cũng là số 1 ở xứ sở sương mù, với 167,40 triệu Euro. Năm 2020 nữa là 86 triệu Euro, 2019 là 160,8 triệu Euro và 2018 là 80,15 triệu Euro. Theo những số liệu của trang Transfermarkt, kể từ năm 2018 đến giờ, kỳ chuyển nhượng hè của Arsenal luôn kết thúc với con số âm trong bảng cân đối giữa thu và chi.

Arsenal lại đang có “mùa hè hạnh phúc“... Ảnh: AFC

Âm nặng nhất là năm 2021 – 136 triệu Euro, cũng là 1 trong 3 mùa mà chỉ số âm ở mức 3 con số (2019 là 107,15 triệu Euro và năm nay đã là 117,86 triệu Euro mà vẫn chưa có ý định dừng lại).

Thành công ít

Chi tiêu là vậy, đầu tư là thế, nhưng đổi lại cho The Gunners là gì. 8 năm qua, phòng truyền thống của Arsenal có thêm 8 chiếc cúp. Nghe qua con số thì có vẻ như những đầu tư mang lại hiệu quả, nhưng nên nhớ, 4 trong số đó là Community Shield (hay còn gọi là Siêu cúp Anh) vốn không quá quan trọng, và 4 FA Cup mà nhiều năm qua các đội bóng lớn khác vốn không thường sử dụng đội hình mạnh nhất để cạnh tranh.

Vậy nên, với rất nhiều tiền đã đổ vào thị trường chuyển nhượng, Arsenal vẫn bị coi là thất bại. Danh hiệu lớn gần nhất là Premier League vào năm 2004, sau mùa giải bất bại mà họ sẽ nhớ mãi trong lịch sử. Dù 2 năm sau đó có vào đến chung kết Champions League, cách đây vài năm có vào chung kết Europa League thì thất bại vẫn là thất bại.

Lý do?

Người ta vẫn tự hỏi, vì sao một Arsenal đã có sự chuyển mình, đầu tư cả vào những ngôi sao thay vì cầu thủ trẻ như trước đây mà vẫn không thể thành công ở Premier League và Champions League? Lời giải có lẽ cũng nằm ở khía cạnh… kinh tế.

Ở đây, không phải chuyện Arsenal đối xử với dòng tiền chuyển nhượng của họ ra sao mà là cách hành xử của họ với “tiền cho các ngôi sao”. Điều này được thấy trong một chia sẻ gần nhất của Edu, Giám đốc kỹ thuật đầu tiên trong lịch sử Arsenal. Cựu cầu thủ người Brazil được bổ nhiệm năm 2019, từng là thành viên của “Arsenal invincibles” khi khoác áo Pháo thủ từ 2001 đến 2005.

Cách nghĩ của Giám đốc Edu về tiền đầu tư vào các ngôi sao là một phần lý do không thể thúc đẩy Arsenal đến với thành công thực sự. Ảnh: AFC

Theo đó, Giám đốc 44 tuổi chia sẻ: “Khi một cầu thủ 26 tuổi trở lên, có mức lương cao và không thể hiện được phong độ, anh ta đang giết bạn. Họ không có giá trị chuyển nhượng và thoải mái với một hợp đồng dài hạn ở London. Vì vậy, chúng tôi cần phải làm sạch đội hình và nếu chúng tôi phải trả một số tiền để họ đi, tôi coi đó là một khoản đầu tư. Điều đó tốt hơn là để họ chặn đường của cầu thủ khác".

Có 2 ví dụ điển hình cho câu chuyện này ở sân Emirates kể từ khi Edu làm Giám đốc là Mesut Ozil và Pierre-Emerick Aubameyang. Liệu có trùng hợp không khi 2 ngôi sao này được gia hạn hợp đồng, nhận mức lương khủng rồi sa sút? Ozil chia tay vào tháng 1.2021, Aubameyang rời đi vào tháng 1.2022.

Họ lần lượt đi nhưng Arsenal cũng đâu cải thiện được bao nhiêu. Mùa 2020-21 đứng thứ 8, mùa 2021-22 đứng thứ 5. Tại sao lại đổ lỗi cho các ngôi sao “ngồi mát ăn bát vàng” mà không phải là chuyện câu lạc bộ thay huấn luyện viên như thay áo, thay đổi phong cách, chiến thuật liên tục và không xây dựng một đội hình thực sự hoàn thiện, đủ sức cạnh tranh?

Đổ lỗi cho ngôi sao thay vì tìm cách "kích hoạt họ", sự nửa vời trong đầu tư khác hẳn chiến lược của Manchester City, Liverpool hay Chelsea, vì thế, nếu sau “mùa hè hạnh phúc” lại tiếp tục là sự thất vọng quen thuộc ở Arsenal thì cũng không có gì lạ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn