MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao taekwondo là môn thể thao "hào phóng" nhất Olympic?

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 29/07/2021 12:16

Lần đầu tiên kể từ Olympic Sydney 2000, Hàn Quốc không giành được bất cứ Huy chương vàng nào ở "quốc võ" taekwondo. Ở chiều ngược lại, nó mang đến hy vọng cho những quốc gia khác.

Hàn Quốc bị vượt mặt ở taekwondo

Taekwondo được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic tại Seoul năm 1988. Nhưng đến Thế vận hội năm 2000, môn võ này mới được được tổ chức liên tục. Trong lịch sử, Hàn Quốc là quốc gia giàu thành tích nhất nhất ở môn thế mạnh này với 12 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc và 5 Huy chương đồng.

Tuy nhiên ở Olympic Tokyo 2020 năm nay, Hàn Quốc không giành Huy chương vàng nào trong 8 bộ huy chương. Họ chỉ giành 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng. Đoàn Ủy ban Olympic Nga dẫn đầu với 2 Huy chương vàng. Croatia, Serbia, Italia, Thái Lan, Mỹ và Uzbekistan mỗi quốc gia giành 1 Huy chương vàng.

"Taekwondo đang trở thành niềm hy vọng cho các quốc gia nhỏ trong những môn thể thao khó có được huy chương tại Olympic", tờ New York Times của Mỹ bình luận trước việc Hàn Quốc không có vàng ở taekwondo.

Nhận xét này không sai. Đoàn thể thao Việt Nam có huy chương Olympic đầu tiên cũng nhờ taekwondo, của võ sĩ Trần Hiếu Ngân tại Thế vận hội năm 2000. Theo thống kê, taekwondo đã mang về huy chương Olympic đầu tiên cho 12 quốc gia kể từ năm 2000.

Bờ Biển Ngà và Jordan có Huy chương vàng Olympic đầu tiên nhờ taekwondo tại Olympic Rio 2016. Afghanistan giành huy chương đồng Olympic duy nhất của họ tại Bắc Kinh năm 2008. Tại Tokyo năm nay, Thái Lan và Uzbekistan cũng lần đầu có vàng ở taekwondo.

Lee Da-bin, võ sĩ đoạt Huy chương bạc duy nhất cho taekwondo Hàn Quốc tại Tokyo 2002 ở hạng cân trên 67kg nữ nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng tôi giành Huy chương bạc vì kém một chút so với đối thủ". Ở trận chung kết, Lee Da-bin thua Milika Mandic với tỉ số 7-10. Võ sĩ của Hàn Quốc không quá buồn sau thất bại.

Nghịch lý từ đâu?

Theo New York Times, việc không giành Huy chương Olympic năm nay minh chứng cho tính quốc tế hóa, toàn cầu hóa mạnh mẽ của taekwondo. Hiện có 210 quốc gia là thành viên của Liên đoàn taekwondo thế giới (WT).

Điều này cho thấy taekwondo đã phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. New York Times phân tích rằng taekwondo là hoạt động xuất khẩu văn hóa thành công của Hàn Quốc bên cạnh K-pop hay K-food.

Dấu ấn Hàn Quốc ở tấm Huy chương vàng taekwondo của Thái Lan đặc biệt rõ rệt khi huấn luyện viên Hàn Quốc Choi Young-seok đã dẫn dắt tuyển Thái Lan từ năm 2002. Với riêng Panipak Wongpattankit – người đoạt Huy chương vàng ở hạng cân dưới 49kg của nữ, ông đã dẫn dắt cô trong 11 năm.

Italia cũng có Huy chương vàng taekwondo đầu tiên nhờ thành công của võ sĩ Vito Dell'Aquila ở hạng cân dưới 58kg nam. Tờ Corriere della Sera dành hẳn 2 trang để viết về sự phổ biến của taekwondo đối với trẻ em Italia.

Tờ báo giải thích rằng taekwondo hào nhoáng hơn và ít bạo lực hơn các môn võ khác, và nó cũng đổi mới hơn so với truyền thống. Ngoài ra, có 600 trường đăng ký chính thức với Hiệp hội taekwondo Italia (FITA) và số lượng thành viên lên tới 26.000 người.

Ulygbek Rashitov – võ sĩ mang về tấm Huy chương vàng Olympic cho Uzbekistan tại Tokyo cho biết: "Ba năm trước, một bộ môn taekwondo chuyên biệt đã được thành lập tại một trường đại học ở thủ đô Tashkent".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn