MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Super League vẫn đang thoi thóp. Ảnh: AFP

Vì sao UEFA và Super League lại lôi nhau ra tòa một lần nữa?

VIỆT HÙNG LDO | 12/07/2022 20:09
Cuộc chiến giữa UEFA và nhóm các đội Super League có thể không liên quan đến thị trường chuyển nhượng ngay lập tức nhưng về lâu dài, nó có sức ảnh hưởng rất lớn đến các phiên chợ cầu thủ.

Hôm 11.7 theo giờ địa phương, tại tòa án Luxembourg, UEFA tiếp tục chỉ trích và kiện Super League. Tổ chức này muốn tất cả các giải đấu muốn ly khai khỏi UEFA đều không được phép, mọi thứ vẫn rất căng thẳng trong hơn 1 năm qua dù Super League đã bị đình trệ chỉ sau 24 giờ thành lập vào năm ngoái.

Đến lúc này, dù trực tiếp hay gián tiếp, tất cả 12 câu lạc bộ vẫn đang nằm trong dự án Super League như năm ngoái. Milan và Atletico vẫn được duy trì tư cách thành viên Hiệp hội các câu lạc bộ Châu Âu (ECA). Manchester United, Manchester City, Liverpool, Arsenal, Chelsea và Tottenham Hotspur vẫn là những cổ đông bất đắc dĩ của European Super League Company. Đây là công ty mẹ của dự án có trụ sở ở Tây Ban Nha.

Nhóm Big Six của Premier League đã nói rút khỏi Super League nhưng trên danh nghĩa, họ vẫn có tên trong dự án này dù thời điểm hiện tại, việc xuất hiện trong danh sách đó không có nghĩa lý gì.

Những đội Premier League từng muốn tham dự Super League. Ảnh: AFP

Trong nhóm 12 đội muốn thành lập Super League, chỉ có Inter tuyên bố đã rút khỏi hoàn toàn sự ràng buộc với 3 đội "đầu sỏ" là Juventus, Barcelona và Real Madrid.

Lúc này, tòa đang xem xét liệu quyền kiểm soát hoàn toàn bóng đá Châu Âu của UEFA có phải độc quyền và có cấu thành các hành vi vi phạm pháp luật hay không. Nhóm Super League đang muốn đánh trọng điểm vào vấn đề đó.

Nhóm Big Six của Premier League đã bị phạt tổng cộng 22 triệu bảng vào năm ngoái vì tham gia Super League. Nếu còn có ý định ly khai khỏi UEFA, họ sẽ bị phạt thêm khoảng 25 triệu bảng và đối diện với mức trừ 30 điểm tại Premier League. Nếu mùa vừa rồi M.U bị trừ 30 điểm, họ sẽ xuống hạng.

Ngoại trừ 3 đội đứng ra thành lập Super League, UEFA tự tin đã đàm phán thành công với 9 đội còn lại. Tổ chức này dự kiến trả lại khoảng 12,7 triệu bảng như một cử chỉ thiện chí để phục vụ bóng đá cộng đồng. 

Tháng 4.2021, Barca, Real và Juve vẫn giữ quan điểm trước tòa rằng, họ không thể bị UEFA phạt nếu thành lập Super League. Đến tháng 9, UEFA buộc phải tạm từ bỏ cuộc đối đầu với nhóm này. 

Barcelona và Real Madrid muốn Super League để có nhiều tiền hơn. Ảnh: AFP

Vụ việc hiện đang được 15 thẩm phán của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) thụ lý và phân tích. Thông thường, chỉ có khoảng 3-5 thẩm phán xử lý một vụ như này, con số hiện tại nhiều gấp từ 3-5 lần thông thường. Thứ Ba tuần sau (19.7) là thời điểm quan trọng khi 15 thẩm phán sẽ có câu hỏi cho các bên liên quan trong phiên điều trần. Thế nhưng, kết quả cuối cùng có thể chỉ đến vào cuối tháng 9 tới.

Luật sư của UEFA, Donald Slater nói,việc cho phép Super League ly khai sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các giải đấu khép kín khác và sự sụp đổ của các giải đấu thể thao “mở”. Slater cũng dẫn lại lời của danh thủ Cantona rằng, một đội bóng sẽ chẳng thể trở thành nhà vô địch nếu không có tính cạnh tranh trong một giải đấu.

“King” Eric là nguồn cảm hứng cho các luật sư của UEFA trong vụ này. Ảnh: AFP

Nếu trong những tháng tới, ECJ ra phán quyết bất lợi cho Super League, các luật sư cho nhóm này sẽ "mất điện" và không còn cách nào để kháng cáo. Từ đó, không chỉ Super League, các dự án tương tự khác cũng không còn cửa để xuất hiện trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn