MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền vệ Nguyễn Thái Sơn trong trận giao hữu với Syria. Ảnh: Minh Dân

Áp lực của cầu thủ trẻ ở tuyển Việt Nam

MINH PHONG LDO | 13/10/2023 08:01

Chiến lược phát triển chung của VFF và huấn luyện viên Troussier buộc các cầu thủ trẻ phải phát triển nhanh hơn thường lệ.

Tuyển Việt Nam thiếu những Quang Hải, Văn Hậu tuổi 18

Huấn luyện viên Park Hang-seo góp công không nhỏ trong việc đưa những tài năng trẻ sáng giá như Quang Hải, Văn Hậu, Việt Anh hay Thanh Bình lên đội tuyển quốc gia từ khi còn trẻ và có thể toả sáng.

Điểm chung của các cầu thủ này là họ lên tuyển Việt Nam khi mới 18-20 tuổi, mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để chiếm suất đá chính. Thành công của nhóm này là cơ sở để Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra nhiều chiến lược đặc biệt để phát triển các cầu thủ trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau.

Đặc biệt, khi huấn luyện viên Troussier nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông càng tạo điều kiện nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ để tìm ra những phương án nhân sự mới, phù hợp hơn với triết lí bóng đá mà mình theo đuổi. Nhưng vẫn có sự khác biệt lớn về nhân sự ở 2 thời điểm mà rất khó để các nhà cầm quân khắc phục.

Quang Hải, Văn Hậu, Việt Anh hay Thanh Bình thực tế đều đã có suất thi đấu chính thức ở câu lạc bộ và chứng minh được năng lực tại V.League. Sau đó, họ mới có thể toả sáng ở đội tuyển quốc gia. Đây cũng là con đường cơ bản của các tài năng trẻ muốn bước ra ánh sáng trên thế giới.

Huấn luyện viên Troussier trao cơ hội cho rất nhiều cầu thủ trẻ được tập luyện, thi đấu ở cấp đội đội tuyển quốc gia. Ảnh: VFF

Nhưng với nhóm cầu thủ trẻ được huấn luyện viên Troussier tin dùng, rất hiếm người được thi đấu thường xuyên chứ chưa nói đến việc toả sáng ở đội bóng chủ quản.

Trong năm 2023, người ra sân nhiều nhất và để lại dấu ấn mạnh mẽ là tiền vệ Nguyễn Thái Sơn của câu lạc bộ Thanh Hoá. Anh đá 20 trận đóng góp lớn vào 2 danh hiệu của đội bóng xứ Thanh. Nhưng kể cả như vậy, Thái Sơn vẫn khó có thể xem là “ngôi sao” như cách nhiều đàn anh từng làm được.

Phan Tuấn Tài, Hồ Văn Cường ở V.League hay Minh Trọng, Đình Bắc ở giải hạng Nhất cơ bản mới chỉ là điểm sáng ban đầu. Nguyễn Văn Tùng, Quan Văn Chuẩn vẫn đang loay hoay ở câu lạc bộ Hà Nội. Tuyển Việt Nam đang thiếu Quang Hải, Văn Hậu ở tuổi 18.

Áp lực của cầu thủ trẻ

Các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội để thể hiện mình ở thời điểm này khi VFF xem “trẻ hoá” là chiến lược rõ ràng để xây dựng kế hoạch hướng tới World Cup 2026, 2030. Nhưng đi cùng với cơ hội luôn là thách thức lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, chắc chắn các cầu thủ trẻ chưa thể đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn của đội tuyển quốc gia, U23 Việt Nam. Qua nhiều giải đấu như SEA Games, vòng loại U23 châu Á hay các trận giao hữu, các trụ cột đã thành danh vẫn phải sắm vai trò chủ chốt.

Các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội chứng minh khả năng, nhưng cũng là áp lực trưởng thành sớm. Ảnh: VFF

Người được trao cơ hội nhiều nhất là Phan Tuấn Tài thi đấu chỉ ở mức trung bình - khá, thậm chí thường xuyên mắc lỗi phòng ngự. Minh Trọng hay Văn Cường ở 2 hành lang biên chỉ cho thấy sự tích cực, năng nổ của tuổi trẻ thay vì dấu ấn chuyên môn. Thái Sơn cơ bản bùng nổ trước Syria, các trận đấu còn lại anh chơi chưa tốt.

Tất nhiên, không thể “ép” cầu thủ trẻ phải “chín” ngay lập tức. Nhưng nhóm trẻ chưa chứng minh được chuyên môn là một phần khiến tuyển Việt Nam xộc xệch, nhận kết quả không như ý cùng màn trình diễn kém duyên.

Do đó, chính cầu thủ trẻ bây giờ gặp nhiều áp lực. Nếu họ không kịp tiến bộ bằng với tốc độ đi lên của đội tuyển, e rằng chính các cầu thủ được trao gửi niềm tin lúc này sẽ mất dần cơ hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn