MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam mới nhất xuất ngoại thi đấu. Đích đến của anh là Cerezo Osaka ở Nhật Bản. Ảnh: Getty Korea.

“Bơi khỏi ao làng” và thách thức với cầu thủ Việt Nam lẫn Đông Nam Á

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 09/02/2021 11:23

Năm 2021 đánh dấu thời điểm nhiều cầu thủ Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á nỗ lực đến các nền bóng đá phát triển hơn để thử thách bản thân.

Đông Nam Á có dân số hơn 600 triệu người, chiếm gần 1/10 dân số thế giới. Tuy nhiên, trình độ bóng đá của khu vực nhìn chung vẫn thấp so với các nơi khác tại Châu Á, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á, nơi giải vô địch quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản hơn hẳn về tầm vóc, chất lượng.

Điểm đến hấp dẫn Hàn Quốc, Nhật Bản

Để phát triển bản thân, các cầu thủ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đã rất tích cực tìm cho mình những câu lạc bộ ngoài khu vực để đầu quân. Thủ môn Đặng Văn Lâm của tuyển Việt Nam đã quyết định chọn Cerezo Osaka ở Nhật Bản bởi anh xem đây là “bước tiến lớn trong sự nghiệp”.

Thủ môn sinh năm 1993 đã khẳng định được tài năng trong màu áo tuyển Việt Nam, cũng như đội Muangthong United. Vì thế, anh tự tin sẽ cạnh tranh một vị trí tại Cerezo Osaka – đội đứng hạng 4 J.League 2020.

Song song với Văn Lâm, hậu vệ trẻ Asnawi (21 tuổi) cũng được được câu lạc bộ hạng 2 Hàn Quốc Ansan Greeners mời sang thi đấu với cam kết lâu dài. Đội bóng Hàn Quốc đánh giá rất cao kỹ năng, tinh thần và ý chí của hậu vệ trẻ này.

“Cả Asnawi và Đặng Văn Lâm đều có bước thử thách đầy ý nghĩa. Asnawi là cầu thủ đầu tiên ở Đông Nam Á được công nhận về khả năng phòng ngự với các đội K.League. Dù còn trẻ, cậu ấy rất có ý chí để bước lên sân khấu lớn hơn. Còn Đặng Văn Lâm cũng gõ cửa J.League của Nhật Bản, để lại sau lưng thành công tại Đông Nam Á. Họ tìm thấy những thử thách đầy ý nghĩa ở các đội Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có có giải vô địch quốc gia được đánh giá tốt nhất Châu Á”, trang News1 của Hàn Quốc bình luận.

Chanathip của Thái Lan rất thành công khi chuyển sang Nhật Bản thi đấu. Ảnh: Fanpage CLB.

Trước 2 cầu thủ này, một số cầu thủ Thái Lan đã thể hiện rất tốt tại Nhật Bản. Chẳng hạn Theerathon Bunmathan đã vô địch J.League cùng Yokohama F.Marinos; Chanathip Songkrasin trở thành tiền vệ xuất sắc ở J.League.

Tại K.League, Xuân Trường và Công Phượng đã có gần 3 mùa bóng thi đấu tại đây. Dù không được ra sân nhiều, hiệu ứng họ tạo ra buộc K.League phải mở thêm hạn ngạch thu hút cầu thủ Đông Nam Á, bắt đầu từ mùa bóng 2020.

Châu Âu và các điểm đến khác

Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ là 2 trong số những điểm đến được các đội bóng, cầu thủ Đông Nam Á lựa chọn. Hôm 5.2, đội bóng mạnh nhất Malaysia Johor Darul Ta’zim đã gửi 2 cầu thủ gồm Liridon Krasniqi (Malaysia) và Syahrian (Indonesia) đến Newcastle Jets (Australia) theo dạng cho mượn dài hạn. Ban lãnh đạo Johor hy vọng cả hai sẽ có những bước tiến mới khi thi đấu ở giải vô địch quốc gia có chất lượng, tính cạnh tranh cao hơn so với giải Malaysia.

Các câu lạc bộ nhỏ, tầm trung tại Châu Âu cũng được nhắm đến để các nước Đông Nam Á gửi cầu thủ trẻ qua. Tiền đạo Bagus Kaffi của Indonesia đến khoác áo FC Utrecht (Hà Lan) với hợp đồng 1 năm, kèm theo điều khoản gia hạn thêm 2 năm. Tại Hà Lan, Bagus sẽ thi đấu từ đội U18, tìm cơ hội chen chân vào đội Jong FC Utrecht rồi mới đến đội 1.

Bagus Kaffi chuyển đến khoác áo FC Utrecht với cam kết lâu dài. Ảnh: FC Utrecht.

Ngoài Bagus Kaffi, bóng đá Indonesia còn 2 cầu thủ đang học viện tại Châu Âu gồm Witan Sulaeman (Radnik Surdulica, Serbia) và Egy Maulana Vikri của Lechia Gdansk (Ba Lan). Họ được kỳ vọng sẽ là những nhân tố quan trọng của tuyển Indonesia trong tương lai.

Trong khi đó, Malaysia thông qua tỉ phú Vincent Tan đã đưa tài năng trẻ sáng giá nhất của họ Luqman Hakim sang khoác áo đội KV Kortrijk (Bỉ) trong 5 năm, từ cuối năm 2020. Tiền đạo này nhiều khả năng sẽ được tuyển Malaysia gọi lên tập trung, chuẩn bị cho các trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 trong năm nay.

Khi còn khoác áo Muangthong United, "Messi Thái Lan" Chanathip được định giá chừng 600.000 Euro. Tuy nhiên, khi sang Nhật Bản khoác áo Consodale Sapporo từ năm 2017, giá của anh đã tăng chóng mặt, nhờ việc được ra sân thường xuyên, có nhiều đóng góp. Thời điểm chơi tốt nhất, Chanathip được định giá 2,4 triệu Euro còn hiện tại, anh có giá 1,7 triệu Euro. Điều đó cho thấy việc thi đấu, khẳng định được chỗ đứng ngoài Đông Nam Á rất có lợi cho cầu thủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn