MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang Hải có thể đến Nhật Bản sau mùa giải 2023-2024. Ảnh: Minh Dân

Bóng đá Nhật Bản: Thử thách hay cơ hội với cầu thủ Việt Nam?

MINH PHONG LDO | 24/05/2024 10:55

Nhật Bản đang trở thành điểm đến tiềm năng của các cầu thủ Việt Nam, bất chấp tính cạnh tranh cao ở hệ thống giải J.League 1 và 2.

Làn sóng dịch chuyển

Vài năm trước, khi bóng đá Việt Nam thành công dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, Hàn Quốc với giải K.League 1 và 2 trở thành điểm đến hứa hẹn của nhiều cầu thủ Việt Nam.

Trước đó, năm 2016, Lương Xuân Trường là gương mặt tiên phong của bóng đá Việt Nam sang Hàn Quốc thi đấu. Một năm sau, anh chia tay Incheon để gia nhập một đội bóng khác tại K.League 1 là Gangwon FC.

Đến năm 2019, Công Phượng đến Incheon United thi đấu. Gần đây nhất vào năm ngoái, Văn Toàn gia nhập Seoul E-Land sau khi hết hợp đồng với Hoàng Anh Gia Lai.

Nhưng cũng như Công Phượng hay Xuân Trường, Văn Toàn sớm nói lời chia tay với đội bóng hạng 2 Hàn Quốc vì không thích nghi được với môi trường bóng đá tại đây.

Hàn Quốc thực tế là giấc mơ của nhiều cầu thủ khác, Thành Chung hay Việt Anh từng có cơ hội thử sức tại K.League. Ở trình độ thấp hơn, Anh Tài, Minh Hiếu, Cảnh Anh của Hoàng Anh Gia Lai cũng được trải nghiệm ở xứ kim chi với những bản hợp đồng cho mượn 1 năm tại Cheonan City.

Song, cho đến hiện tại, không một cầu thủ Việt Nam nào còn thi đấu tại Hàn Quốc. Làn sóng dịch chuyển dần về Nhật Bản, nơi Công Phượng đang thi đấu cho Yokohama FC. Đây là điểm đến tiềm năng cho một số cái tên triển vọng khác như Hoàng Đức, Quang Hải hay một vài tuyển thủ quốc gia khác.

Công Phượng chưa có nhiều cơ hội thi đấu tại câu lạc bộ Yokohama (Nhật Bản). Ảnh: Yokohama

Tiềm năng và thử thách

Một trong những yếu tố tạo nên làn sóng dịch chuyển của cầu thủ Việt Nam đến từ yếu tố hình thể.

Các trận đấu tại K.League 1 và 2 luôn dồi dào năng lượng và ưu tiên về thể chất. Những cầu thủ có chiều cao khiêm tốn, không mạnh về tính chiến đấu khó lòng bám trụ ở nền bóng đá Hàn Quốc vốn đòi hỏi rất lớn về sức mạnh.

Ngược lại, tại Nhật Bản, yếu tố liên quan đến kỹ thuật cá nhân, tư duy chiến thuật được ưu tiên hơn. Đó có thể xem là lợi thế đối với các cầu thủ đến từ Đông Nam Á.

Một loạt các quốc gia, trong đó có Việt Nam nằm trong danh sách đối tác của J.League. Nhờ vậy, các câu lạc bộ tại Nhật Bản được "bật đèn xanh" trong việc sử dụng cầu thủ Đông Nam Á tương đương với suất nội binh.

Do vậy, nhiều đội bóng xứ Phù tang dành sự quan tâm hơn đến thị trường cầu thủ thuộc khu vực này. Sau Thái Lan, Indonesia, các ngôi sao bóng đá Việt Nam cũng "lọt tầm ngắm" của một số câu lạc bộ J.League. Trong 1-2 năm tới, số lượng cầu thủ Việt Nam chơi bóng tại Nhật Bản có thể tăng lên đáng kể.

Đó không chỉ là nguyện vọng của Hoàng Đức hay Quang Hải, mà còn đến từ những mối quan hệ khăng khít giữa bóng đá Nhật Bản - Việt Nam cùng một số nhà môi giới đan xen hai quốc gia lúc này.

Dù con đường đến J.League của cầu thủ Việt Nam đã thuận lợi hơn, nhưng không đồng nghĩa với việc họ có nhiều cơ hội khi chơi bóng ở xứ sở hoa anh đào.

Hình ảnh Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Lâm là minh chứng tiêu biểu cho những khó khăn mà cầu thủ Việt phải đối diện ở Nhật Bản. Tuấn Anh chia tay Yokohama FC với chỉ 2-3 trận được ra sân, Công Phượng thậm chí chưa thể thi đấu đủ 90 phút qua 2 mùa giải, hay Văn Lâm chia tay Cerezo Osaka mà chưa một lần ra sân tại J.League 1.

Tại một quốc gia có trình độ bóng đá cao hơn, không dễ để các tuyển thủ Việt Nam chiếm được một suất đá chính. Đó cũng là nỗi trăn trở khi các ngôi sao V.League nghĩ đến việc sang Nhật Bản chơi bóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn