MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn Quyết trở lại đội tuyển Việt Nam trong một năm nhiều biến động. Ảnh: Hoài Thu

Bóng đá Việt Nam 2020 và câu chuyện... được - mất

PHẠM ĐÌNH LDO | 31/12/2020 18:42
Bóng đá Việt Nam khép lại năm 2020 với khoảng trống của đội tuyển Việt Nam nhưng chúng ta cũng hứa hẹn nhiều khởi sắc năm 2021.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, bóng đá Việt Nam đã khép lại năm 2020 với nhiều biến động. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cái được.

Đầu tiên, phải kể đến việc các giải chuyên nghiệp quốc gia đã về đích an toàn dù phải tạm dừng 2 lần, nhiều trận đá không khán giả vì dịch bệnh. Đó là nhờ sự vào cuộc của VFF và những phản ứng kịp thời của VPF trong việc thay đổi kế hoạch thích nghi trong điều kiện dịch bệnh.

Cũng nhờ thế mà giải đấu không bị huỷ bỏ, quyền lợi của nhà tài trợ vẫn được thực hiện. Điều này đã giúp VPF giữ chân thành công được Tập đoàn LS trong năm 2021. Đơn vị này tiếp tục tài trợ hai giải đấu là hạng Nhất và V.League.

V.League 2020 đã diễn ra đầy kịch tính. Ảnh: VPF

Cũng trong đại dịch, bóng đá Việt Nam đã truyền đi thông điệp ý nghĩa về công tác phòng, chống dịch của Chính phủ và ngành y tế. "Cộng đồng an toàn, bóng đá trở lại", đó là thông điệp được giăng lên ở trận đấu giữa Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai khi bóng đá lần đầu tiên trở lại sau dịch COVID-19.

Viettel là tân vương của V.League. Đó là nhà vô địch đầy mới mẻ. Chính họ cũng thừa nhận rằng, việc V.League thay đổi thể thức cũng là một trong những yếu tố giúp họ gặp may mắn.

Trong 1 năm các đội tuyển quốc gia nghỉ ngơi, chúng ta có điều kiện theo dõi các giải chuyên nghiệp quốc gia một cách kỹ hơn, sâu hơn. Thực tế, bóng đá trong nước không vẫn có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển đi lên chuyên nghiệp. Những người làm bóng đá tâm huyết vẫn còn nhiều và họ cần cơ chế để được nâng tầm.

Sau những thành công của đội tuyển quốc gia và U23 ở đấu trường quốc tế, năm 2020 được xem như một khoảng lặng để chúng ta nhìn lại những điều hạn chế cần khắc phục. Chính huấn luyện viên Park Hang-seo đã vạch ra hàng loạt vấn đề từ nguồn lực đến sự ảnh hưởng của cả hệ thống bóng đá lên đội tuyển quốc gia.

Trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam và U22. Ảnh: Hoài Thu

Thế nhưng bên cạnh cái được thì trong đại dịch, bóng đá Việt Nam đã lộ ra nhiều lỗ hổng. Vấn đề có thể thấy rõ nhất là hệ luỵ của các đội bóng "ăn bám" ngân sách địa phương còn nhiều. Và khi khó khăn, những đội bóng này có thể đứng trước nguy cơ giải thể. Điều này thể hiện trong tư duy bao cấp đã tồn tại quá lâu.

Trong khó khăn, nhiều đội bóng còn "làm đơn theo mẫu" để đề nghị huỷ bỏ giải đấu. Đó là trường hợp của Quảng Nam, Nam Định, Thanh Hoá, Sông Lam Nghệ An. Điều đáng tiếc nhất là lãnh đạo các đội bóng nhìn từ góc độ lợi ích cá nhân nhiều hơn tập thể và giải đấu.

Cái mất nhiều hơn nữa chính là niềm tin từ người hâm mộ. Các đội bóng dường như đã xếp cổ động viên sang một bên để tự giải thoát chính bản thân mình. Câu chuyện của Than Quảng Ninh như một ví dụ điển hình.

Trong khó khăn, những vấn đề thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam lại càng lộ ra rõ rệt. Nhưng cũng từ đó mà những người quản lý mới có thể hoạch định được chiến lược phù hợp với bối cảnh thực tế. Chuyện huấn luyện viên Park Hang-seo muốn hạn chế ngoại binh, trao nhiều cơ hội cho cầu thủ trẻ là đóng góp tích cực nhưng sẽ rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện tại.

Bóng đá Việt Nam khép lại năm 2020 với 2 trận giao hữu của Đội tuyển Việt Nam và U22 tại Quảng Ninh và Phú Thọ. Cơn sốt bóng đá ở sân Việt Trì hôm 27.12 đã cho thấy thương hiệu đội tuyển quốc gia vẫn luôn có giá. Và để phát triển phong trào bóng đá cần có nhiều hơn nữa những trận đấu như vậy. Đó chính là cú hích cho bóng đá Việt Nam bước vào năm 2021 với nhiều nhiệm vụ lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn