MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bùi Tiến Dũng đã có một mùa giải 2019 đáng quên ở V.League. Ảnh: H.A

Cái giá của Bùi Tiến Dũng

HOÀI ĐAN LDO | 18/12/2019 08:03
Bùi Tiến Dũng đã khẳng định được giá trị từ giải U23 Châu Á 2018, thế nhưng anh cũng đang phải trả giá cho chính cơ hội nghề nghiệp của mình tại sân chơi V.League. 

Trong số các tuyển thủ được nổi lên từ giải U23 Châu Á 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng là người được xem có giá nhất.

Giá ở đây không chỉ là giá trị sau những gì Dũng đã đóng góp vào thành công của U23 Việt Nam. Cái giá của Dũng được định lượng cụ thể từ một bảng báo giá được lan truyền trên mạng xã hội sau đó, câu chuyện đã tốn không ít gấy mực của báo chí.

Và với một cầu thủ có lượt theo dõi trên facebook lên đến hơn 3 triệu vào thời điểm hiện tại, rõ ràng quá có giá khi nhận các hợp đồng quảng cáo. Nhiều người nói vui, Dũng chỉ cần ngồi trên băng ghế dự bị và cười thôi cũng "hái ra tiền".  

Thầy Park nhiều lần đến dự khán ở sân Hàng Đẫy nhưng hiếm khi được theo dõi Tiến Dũng thi đấu. Ảnh: M.H

Thế nhưng, cái giá mà Dũng nhận được sau những thành công trong màu áo U23 Việt Nam cũng không phải chỉ mỗi màu hồng.

Dũng xuất sắc ở U23 Châu Á, giữ được sự ổn định ở ASIAD 18, thế nhưng khi trở về khoác áo Thanh Hoá, Dũng thậm chí chỉ là sự lựa chọn số 3 sau Thanh Thắng và Bửu Ngọc ở V.League 2018. Vấn đề nằm ở quan điểm sử dụng nhân sự của các huấn luyện viên, và cả sai lầm của Tiến Dũng khi được trao cơ hội.   

Chính điều này đã khiến tài năng của Tiến Dũng không có cơ hội phát huy, thậm chí phần nào cũng đánh mất đi cả những cơ hội khi tập trung trở lại đội tuyển.

Minh chứng rõ ràng nhất là khi đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 18, huấn luyện viên Park Hang-seo đã không yên tâm nên gọi Đặng Văn Lâm trong số 4 cầu thủ ngoài độ tuổi 23 để sẵn sàng cho một sự thay thế. Bởi sau giải U23 Châu Á, Dũng không thường xuyên được ra sân, ông Park lo ngại về phong độ của thủ môn gốc Thanh Hoá.  

Nhiều người đã nói rằng, nếu không vì việc số lượng cầu thủ dưới 23 tuổi bị hạn chế, Dũng liệu có cơ hội bắt chính ở ASIAD 18? Bởi đến AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 thì Dũng chỉ là người dự bị cho Văn Lâm.

Bùi Tiến Dũng và quãng thời gian đáng quên trong màu áo Hà Nội. Ảnh: Đ.H

Rồi bước ngoặt sự nghiệp của Dũng cũng đến từ một cái giá khác, trị giá đến 6 tỉ khi chuyển từ Thanh Hoá về đầu quân cho Hà Nội. Sau khi Tập đoàn FLC tuyên bố chia tay bóng đá Thanh Hoá, nhiều cầu thủ cũng đã tìm bến đỗ mới.

Bản thân Dũng đã nhận được nhiều đề nghị đầy hứa hẹn từ các đội bóng khác. Và việc Dũng chọn Hà Nội được xem là một sự bất ngờ hợp lý, bởi đó sẽ là nơi sẽ đưa Dũng đến với những giá trị mới.  

Tuy nhiên, cái giá mà Dũng phải trả quá đắt cho một năm chủ yếu ngồi trên băng ghế dự bị. Việc không thường xuyên được thi đấu trong màu áo Hà Nội đã khiến Dũng mất cảm giác bóng và không có được phong độ tốt. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc Bùi Tiến Dũng mất vị trí chính thức trong màu áo U22 Việt Nam ở SEA Games 30. 

Bây giờ, Bùi Tiến Dũng đã chia tay Hà Nội để tìm bến đỗ mới ở mùa giải 2020, có thể sẽ là TP.HCM. Một cơ hội mới và hy vọng Bùi Tiến Dũng có thể tìm lại giá trị nghề nghiệp của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn