MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cầu thủ Than Quảng Ninh bỏ tập và nỗi bi hài bóng đá chuyên nghiệp

PHẠM ĐÌNH LDO | 31/03/2021 19:36

Hình ảnh một loạt cầu thủ Than Quảng Ninh bỏ tập vì bị nợ lương 8 tháng mang đến nỗi ám ảnh lớn cho bóng đá chuyên nghiệp.

Hình ảnh Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Nguyễn Hải Huy và một số trụ cột thời điểm hiện tại của Than Quảng Ninh tham gia một buổi tập chiều 31.3. Tất cả đã cùng nhau bỏ tập và ngồi trên khán đài, theo dõi các cầu thủ trẻ tập luyện. Đấy là cách để họ phản ứng lại việc đã 8 tháng qua chưa nhận được tiền lương, thưởng.

Đây chỉ là giọt nước tràn ly sau tất cả "khủng hoảng" đang diễn ra ở đội bóng đất Mỏ. Tiền thưởng trận đấu mùa 2019, 2020 thì vẫn bị nợ, lương chậm và tiền lót tay thiếu. Sau mùa giải 2020, rất nhiều trụ cột Than Quảng Ninh và huấn luyện viên Phan Thanh Hùng đành phải ngậm ngùi ra đi.

Các cầu thủ Than Quảng Ninh bỏ tập vì bị nợ lương. Ảnh: Khánh Đàm

Đầu mùa giải 2021, Chủ tịch Câu lạc bộ Than Quảng Ninh cho biết hiện bản thân ông và câu lạc bộ vẫn chờ những quyết định của tỉnh. Nguồn kinh phí để Than Quảng Ninh duy trì hoạt động mỗi năm từ 70-80 tỉ đồng.

2 nguồn chi kinh phí chính là từ tỉnh Quảng Ninh (nguồn kinh phí này do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tài trợ) khoảng 30 tỉ đồng, còn lại là tiền do doanh nghiệp của ông Phạm Thanh Hùng chịu.

Những tưởng mọi chuyện đã giải quyết nhưng cơn "khủng hoảng" vẫn chưa có hồi kết. Việc các cầu thủ bị nợ lương đến 8 tháng là điều đang đẩy đội bóng này trước nguy cơ "đắm".

Những hình ảnh tạo nên một vết gợn buồn với bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá ở thời điểm hiện tại sẽ dễ chấp nhận với câu chuyện khủng hoảng thành tích. Còn việc nợ lương, chậm lương kéo dài và đẩy những cầu thủ từ trên sân lên khán đài ngồi là điều cho thấy một cách làm thiếu căn cơ.

Thiếu tiền, ăn đong từng bữa như một thực trạng buồn ở V.League. Than Quảng Ninh không phải trường hợp duy nhất “kêu cứu”. Sau khi V.League 2020 tạm dừng lần thứ 2 vì dịch COVID-19, nhiều câu lạc bộ đã muốn kết thúc giải sớm vì không đủ kinh phí duy trì. Chủ tịch CLB Quảng Nam – Nguyễn Húp là một trong những người tiên phong cho việc gửi văn bản xin dừng giải.

Hải Phòng cũng được ngân sách của tỉnh hỗ trợ mỗi năm 40 tỉ đồng (từ mùa giải 2021 tăng lên 50 tỉ đồng). Tuy nhiên, lại không thể có một bộ mặt nhếch nhác hơn cả về chuyên môn lẫn cơ sở vật chất.

Trường hợp Sông Lam Nghệ An, Nam Định cũng là câu chuyện tương tự khi sống dựa vào ngân sách của tỉnh. Chuyện chạy ăn từng bữa đã quá quen thuộc với Nam Định dù có nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh.

Với đội bóng xứ Nghệ, họ nhiều năm qua vẫn đi đào tạo trụ cột cho các đối thủ ở V.League vì thiếu tiền giữ chân các ngôi sao. Trong khi đó, Nam Định thậm chí không đạt tiêu chuẩn cấp phép chuyên nghiệp vì vấn đề tài chính.

Với một giải đấu mà vẫn tồn tại nhiều đội bóng thiếu chuyên nghiệp, sẽ không thể có được một sân chơi chất lượng. Ở mùa giải 2021, trong bối cảnh lực lượng bị tan tác, vậy mà Than Quảng Ninh vẫn có thành tích ấn tượng khi xếp thứ 2 sau 6 vòng đấu đầu tiên. Đó là điều mà những khán giả đất Mỏ tiếc nuối.

Ai sẽ kéo các cầu thủ đình công từ khán đài xuống sân cỏ? Và liệu rằng, những đôi chân đã chùn bước ấy, có đủ động lực cho các trận đấu tiếp theo?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn