MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cầu thủ Than Quảng Ninh làm gì khi không thi đấu ở V.League 2022?

MINH PHONG LDO | 29/10/2021 17:02

Nhiều cầu thủ Than Quảng Ninh đang rơi vào tình cảnh khó khăn khi đội bóng đất Mỏ không được cấp phép tham dự V.League 2022, đồng thời cũng tạm dừng hoạt động trong vòng 1 năm.

Việc Liên đoàn bóng đá việt Nam (VFF) không cấp phép ngoại lệ cho câu lạc bộ Than Quảng Ninh tham dự V.League 2022 khiến những câu chuyện nội tại của Than Quảng Ninh được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua.

Cuối tháng 8 vừa qua, đội bóng này đã tuyên bố tạm dừng hoạt động, các chế độ liên quan và lương thưởng cũng sẽ tạm dừng chi trả. Ban huấn luyện, cầu thủ và cán bộ công nhân viên bị nợ lương, thưởng và các khoản tiền khác chưa được thanh toán.

Than Quảng Ninh bị cấm tham dự V.League 2022 do không đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn. Ảnh: VPF

Ngay từ thời điểm Than Quảng Ninh dừng hoạt động, các trụ cột của đội bóng này như Hải Huy, Hồng Quân, Xuân Tú hay Hoa Hùng, Nguyên Sa,... đều đã lần lượt ra đi tìm bến đỗ mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số cầu thủ khác rơi vào tình cảnh khó khăn khi "đi không được, ở lại cũng chẳng xong".

Chia sẻ với Lao Động, hậu vệ Lê Thế Mạnh cho biết: "Tôi gặp chấn thương đứt dây chằng hồi đầu mùa giải 2021. Sau 8 tháng điều trị, chưa kịp vui mừng khi được quay trở lại tập luyện và thi đấu thì đội bóng dừng hoạt động. Thực sự bản thân tôi cảm thấy rất buồn.

Các đồng đội khác đã tìm được bến đỗ mới. Tôi bây giờ 27, 28 tuổi rồi, lại vừa mới hồi phục chấn thương nên việc tìm đội cũng rất khó khăn. Tôi cũng đã liên hệ một số nơi để xin thử việc rồi".

Cầu thủ quê Nghệ An tâm sự: "Hai vợ chồng tôi có con nhỏ, bà xã lại chuẩn bị sinh cháu thứ 2 nên cần phải chi tiêu rất nhiều trong thời gian tới. Ấy vậy mà tất cả các khoản tiền đều chưa được thanh toán. Hiện tại hàng ngày tôi đều phụ vợ bán phở để kiếm tiền trang trải cuộc sống".

Lê Thế Mạnh phụ vợ bán phở để trang trải cuộc sống. Ảnh: NVCC

Theo tìm hiểu của Lao Động, câu lạc bộ Than Quảng Ninh đã tiến hành thanh lý hợp đồng với 30 cầu thủ đội 1, trong đó có cả các cầu thủ trẻ. Một số cầu thủ trẻ như Minh Thành, Hai Long,... đều đã chuyển đến những đội bóng mới. Tuy nhiên vẫn còn một vài cái tên như Anh Tuấn, Ngọc Long vẫn chưa biết tương lai ra sao. 

Đến bây giờ, hậu vệ trẻ Anh Tuấn đã quen dần với công việc của một shippier. Không muốn phụ thuộc vào gia đình, anh nhận mọi nhận mọi đơn vận chuyển hàng hoá ở Đông Triều, miễn là có thu nhập chi tiêu qua ngày. Tranh thủ những buổi chiều rảnh rỗi, Tuấn duy trì tập luyện thể lực chờ cơ hội từ một đội bóng mới. 

Ban huấn luyện của đội bóng đất Mỏ cũng chẳng khá hơn là bao. Vài tháng qua, vợ của huấn luyện viên trưởng Hoàng Thọ phải cáng đáng chuyện chi tiêu của gia đình để chồng...yên tâm công tác. Rồi chuyện một bác sĩ đã phải treo biển nhận...chạy taxi trên chiếc xe của gia đình.

Không chỉ riêng cầu thủ, việc Than Quảng Ninh tạm dừng hoạt động và không được cấp phép tham dự V.League 2022 cũng là nỗi đau của những người hâm mộ nhiệt thành nơi vùng Mỏ. Những "lá cờ đầu" của Hội cổ động viên Than Quảng Ninh chỉ biết "kêu cứu" trong vô vọng khi đội bóng của họ có nguy cơ "biến mất" trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

"Sau khi biết tin về Than Quảng Ninh, chúng tôi vừa buồn, vừa phẫn nộ và uất ức. Tôi không thể nghĩ rằng tỉnh Quảng Ninh có tiềm lực về kinh tế nhưng lại buông tay với bóng đá như vậy. Trước đây, chúng tôi đã từng gửi đơn cầu cứu với gần 10.000 chữ kí của các cổ động viên lên lãnh đạo tỉnh nhưng không được hồi đáp. Bây giờ chỉ cảm thấy bất lực", chị Khánh Đàm - cổ động viên lâu năm của đội bóng đất Mỏ chia sẻ. 

Nếu không được "cứu", công sức và nền móng được xây dựng của Than Quảng Ninh trong nhiều năm trước đó sẽ đổ bể. Đây là một điều thực sự đáng tiếc với đội chủ sân Cẩm Phả, cũng từng là hình mẫu để nhiều câu lạc bộ khác ở V.League noi theo cả về chuyên môn, tài chính lẫn hình ảnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn