MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cầu thủ Việt kiều "sạch bóng" ở câu lạc bộ Hải Phòng

KHÁNH AN LDO | 12/09/2021 16:00

Câu lạc bộ Hải Phòng đang tiến hành nhiều sự thay đổi về chính sách chuyển nhượng. Những cầu thủ Việt kiều không còn là mục tiêu của đội bóng trong thời gian tới.

Cầu thủ Việt kiều lũ lượt rời đi

Theo tìm hiểu của Lao Động, 3 cầu thủ Việt kiều cuối cùng của câu lạc bộ Hải Phòng là Andrey Nguyễn Hùng Anh, Adriano Schmidt và Martin Lo đều sẽ ra đi và chuyển đến các đội bóng mới ở mùa giải năm sau. Như vậy, từ một đội bóng có truyền thống tiếp nhận các cầu thủ gốc Việt được đào tạo ở nước ngoài, câu lạc bộ Hải Phòng sẽ “sạch bóng” Việt kiều từ V.League 2022.

Trong những cầu thủ nói trên, Adriano Schmidt được xem là người có nhiều đóng góp nhất cho đội bóng chủ quản. Anh bắt đầu thi đấu cho câu lạc bộ Hải Phòng từ V.League 2017. Trung vệ sinh năm 1994 để lại dấu ấn mạnh mẽ từ mùa giải 2019 và được xem là người khó có thể thay thế trong bộ tứ vệ của câu lạc bộ Hải Phòng.

 Adriano Schmidt là cầu thủ Việt kiều chơi bóng ổn định nhất tại câu lạc bộ Hải Phòng. Ảnh: VPF

Trái lại, Hùng Anh hay Martin Lo lại chưa đáp ứng được kì vọng từ người hâm một đất Cảng. Đặc biệt, tiền vệ Việt kiều Martin Lo được xem là bản hợp đồng “tâm đắc” của cựu chủ tịch Trần Mạnh Hùng. Ông Hùng tin phẩm chất kĩ thuật nổi bật của Martin sẽ giúp Hải Phòng chơi thăng hoa. Nhưng cuối cùng, anh chưa thể hoà nhập với môi trường rất khắc nghiệt của V.League.

Đây có thể xem là sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong chính sách về mặt nhân sự của tân chủ tịch Văn Trần Hoàn so với người tiền nhiệm. Bầu Hoàn “pháo” mong muốn có những bản hợp đồng nội binh chất lượng hơn, dù chỉ là mượn về từ Hoàng Anh Gia Lai như Châu Ngọc Quang, Trần Hữu Đông Triều, Dụng Quang Nho,…

Chu kì thành công với cầu thủ Việt kiều đã qua?

Thực tế chứng minh rằng câu lạc bộ Hải Phòng cũng là một trong những đội bóng hiếm hoi trung thành với chính sách sử dụng cầu thủ Việt kiều. Ngoài Schmidt, Martin Lo hay Hùng Anh, họ còn từng chiêu mộ Keven Nguyễn từ nước Mỹ, nhưng nổi bật nhất vẫn là Đặng Văn Lâm.

Nói chẳng quá rằng, nếu không có sự “cưu mang” và tạo điều kiện đặc biệt từ câu lạc bộ Hải Phòng, Đặng Văn Lâm khó lòng có được ngày hôm nay. Trước khi chuyển đến sân Lạch Tray, có lúc Văn Lâm từng trở về Nga sau thất bại cay đắng ở câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai. Nhiều người hẳn còn nhớ “tâm thư” trên mạng xã hội của Văn Lâm để tìm kiếm một cơ hội chơi bóng.

Nhưng Văn Lâm và thương vụ chuyển nhượng sang Muangthong United cũng là thương vụ thành công hiếm hoi. Keven Nguyễn được xem là không đủ đẳng cấp chơi bóng đá đỉnh cao.

Khi trở về Mỹ, anh chuyển sang thi đấu môn… bóng bầu dục. Trong khi đó, Hùng Anh vốn từng tốt nghiệp trường hàng không Moskva và có thể trở thành phi công thay vì cầu thủ. Bản thân Adriano Schmidt mới chỉ chơi tại giải hạng 5 Đức. Martin Lo cũng không thành công tại A.League ở Australia.

Martin Lo (áo vàng) chưa hoà nhập tại V.League. Ảnh: VPF

Với “đầu vào” không mấy chất lượng, không dễ để câu lạc bộ Hải Phòng có thể tạo ra những sản phẩm khác biệt. Thực ra, nhóm cầu thủ Việt kiều đều có nền tảng kĩ thuật cơ bản tốt. Tuy nhiên, tố chất của họ không khác biệt hơn các đồng nghiệp được đào tạo trong nước, còn khả năng thích nghi chưa chắc đã tốt bằng.

Dù vậy, muốn tìm những cầu thủ Việt kiều chất lượng hơn cũng rất khó khăn. Người thực sự tốt thì chỉ muốn cống hiến cho tuyển quốc gia Việt Nam chứ không muốn ra sân tại V.League như Filip Nguyễn chẳng hạn. Còn một số cầu thủ chịu về thử việc thì hầu như không đạt yêu cầu.

Bởi vậy, chu kì của các cầu thủ Việt kiều tại câu lạc bộ Hải Phòng có lẽ sẽ ngưng lại một thời gian. Ít nhất, cho đến khi bầu Hoàn tìm được những ngôi sao mới đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn