MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cầu thủ V.League “mắc kẹt” giữa tâm dịch và nỗi nhớ gia đình

AN NGUYÊN LDO | 15/08/2021 06:30

Rất nhiều cầu thủ thi đấu tại V.League vẫn đang ở trong “tâm dịch” như TPHCM, Bình Dương hay Đà Nẵng. Nỗi nhớ gia đình luôn thường trực khi họ đã xa nhà nhiều tháng qua.

Bất lực tìm chuyến bay về nhà

Chắc chắn những cầu thủ đang chơi cho các câu lạc bộ như TPHCM, Sài Gòn, Bình Dương… là những người mệt mỏi nhất khi V.League phải tạm hoãn 6 tháng. Việc tập luyện bị đình trệ nhưng họ cũng không thể rời khỏi nơi đóng quân của đội bóng.

Có rất nhiều lý do để nhóm cầu thủ xa nhà này không thể về quê. Đầu tiên, phải kể đến việc đầu tháng 8, V.League mới chính thức có quyết định hoãn. Nhiều đội bóng vẫn duy trì việc tập luyện, nhưng khi đó thì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã được nâng lên nhiều lần ở khu vực phía Nam. Các phương tiện để di chuyển đi các địa phương khác đều bị hạn chế.

Trung vệ Thanh Long và nhiều cầu thủ Bình Dương, Sài Gòn vẫn đang “mắc kẹt” ở tâm dịch khi V.League tạm hoãn. Ảnh: M.D

Chia sẻ với Lao Động, trung vệ Thanh Long của câu lạc bộ Bình Dương buồn bã: “Tôi rất nỗ lực để tìm chuyến bay về nhà nhưng hầu như không thể được vì nhiều lý do khác nhau. Còn nếu đi bằng phương tiện khác thì cũng rất vất vả và mạo hiểm. Đến hôm nay, tôi tìm được 1 chuyến bay để về Hà Nội, nhưng cũng chẳng có gì chắc chắn cả. Tôi vẫn phải chờ đợi 10 ngày nữa mới biết được”.

Tương tự, tân binh Lê Văn Đại của Bình Dương cũng buộc phải chờ chuyến bay đặc biệt từ TPHCM về thẳng Thanh Hoá. Nếu bay ra Hà Nội, anh sẽ phải tìm xe để di chuyển về quê do các loại hình xe khách, xe dịch vụ tuyến Hà Nội – Thanh Hoá đã bị dừng từ khá lâu.

Trong khi đó, một vài cầu thủ khác thì cả nơi tập luyện lẫn quê nhà đều là tâm dịch. Tuyển thủ U22 Việt Nam Võ Nguyên Hoàng là ví dụ điển hình. Gia đình cầu thủ này ở Sa Đéc, là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại Đồng Tháp. Do vậy, anh cũng đành ở lại.

Chỉ tính riêng với Câu lạc bộ Sài Gòn, hiện cũng có gần 20 cầu thủ ở lại Trung tâm Thành Long. Một số địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An... đều rất hạn chế nhận người từ các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nên việc về nhà vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là chờ vào vận may.

Nỗi nhớ gia đình

Trường hợp của tiền vệ A Mít lại đặc biệt hơn nhiều đồng nghiệp khác. Anh và gia đình nhỏ sinh sống tại Đà Nẵng chứ không phải ở quê hương Kon Tum. Giữa mùa giải, A Mít chuyển đến chơi cho Hải Phòng theo hợp đồng cho mượn. Chỉ còn vợ và con trai anh vẫn sống tại Đà Nẵng.

Thế nhưng, Đà Nẵng giờ cũng là địa phương đang giãn cách xã hội và mỗi ngày vẫn ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 mới. Khi đội bóng chủ quản đã cho nghỉ tập, anh cũng không về được Đà Nẵng lẫn Kon Tum. Thậm chí, cầu thủ này còn phải nhờ đến một đồng đội khác là Hữu Khôi cho ở nhờ tại Thái Bình.

“Đội nghỉ trong 3 tháng nên tôi cũng không biết làm gì tại Hải Phòng, nhưng cũng không thể về nhà nên tôi đang ở Thái Bình, may mà có anh Hữu Khôi giúp đỡ. Xa nhà từ tháng 5 đến giờ tôi rất nhớ vợ con, nhưng mình cũng phải tuân thủ theo yêu cầu phòng dịch của Chính phủ. Có điều tôi rất lo lắng vì Đà Nẵng có dịch, chỉ mong khu vực gia đình tôi sống sẽ ổn” - A Mít bày tỏ.

Tiền vệ A Mít chưa thể về nhà vì dịch COVID-19, cùng với đó là nỗi nhớ nhà da diết. Ảnh: NVCC

Ở Đà Nẵng, Hải Vi, vợ của A Mít cũng đang nỗ lực xoay sở để đảm bảo an toàn cho bản thân và con trai. “Đang trong mùa địch mà chồng không có ở nhà nên muốn đi mua thực phẩm rất khó khăn. Tôi không dám đưa con đi cùng nhưng lại không có ai trông con, do ba mẹ cũng không thể từ Kon Tum ra Đà Nẵng”, Hải Vi cho biết.

“Tôi cũng lo chồng ở xa không biết ăn uống thế nào, có đảm bảo sức khoẻ không. Con trai thì cứ gọi ba và mong ba về để đá bóng cùng. Kể cả bố mẹ 2 bên gia đình cũng rất lo lắng, nhưng tôi tự nhủ phải cố gắng. Nếu mình tuân thủ việc phòng dịch, không ra đường thì cũng sẽ an toàn hơn. Tôi động viên ba mẹ cứ yên tâm”, cô gái quê Kon Tum nói.

Không chỉ Thanh Long, Văn Đại, Nguyên Hoàng hay A Mít, rất nhiều cầu thủ khác cũng chưa thể thoả nguyện trở về nhà. Một điều tưởng chừng rất đơn giản thường ngày, nhưng lại trở thành mơ ước xa xỉ khi dịch bệnh bủa vây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn