MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiến thuật phạt góc "ruồi bu" của Oman và nhược điểm của tuyển Việt Nam

MINH TRIẾT LDO | 13/10/2021 12:07
Điểm yếu và thể hình và thiếu kinh nghiệm ở đẳng cấp cao đã khiến tuyển Việt Nam để thua trước tuyển Oman tại vòng loại World Cup 2022.

Khó chịu nhưng đúng luật

Tuyển Oman có một phong cách tổ chức phạt góc rất "khó chịu", được sử dụng ở hầu hết trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á. Đội bóng Tây Á dùng nhiều cầu thủ vây sát thủ môn đối phương nhằm hạn chế tầm hoạt động. Chiến thuật này ít nhiều tỏ ra hiệu quả, nhất là khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam trên sân Sultan Qaboos.

Cách dàn xếp đá phạt góc bị cộng đồng mạng gọi vui là "chiến thuật ruồi bu" nhưng lại trực tiếp mang về bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 cho tuyển Oman. Trong tình huống ấy, thủ thành Văn Toản bị hạn chế tầm hoạt động, không thể tiến gần quỹ đạo trái bóng để cản phá. Sau bàn thua có phần gây ức chế, đội trưởng Quế Ngọc Hải và nhiều cầu thủ Việt Nam đã ra phàn nàn với trọng tài nhưng quyết định không thay đổi.

"Độc chiêu" đá phạt góc khó chịu của tuyển Oman. Ảnh: Chụp màn hình

Thực tế, tuyển Oman đã chơi đúng luật nên không có lý do gì để không công nhận bàn thắng. Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB) không có điều khoản nào coi việc đứng vây quanh, áp sát thủ môn trong một tình huống phạt góc là phạm lỗi. Khoản 17 trong bộ luật áp dụng cho mùa giải 2021-22 cũng không đề cập đến việc vây quanh kiểu "ruồi bu" như tuyển Oman có thực sự là vi phạm ngăn cản thủ môn hoạt động hay không.

Phần nào đó, việc chưa rõ ràng trong quy định đã tạo nên "kẽ hở" để tuyển Oman có thêm 1 độc chiêu dùng để áp dụng và gây khó dễ cho các đội tuyển có thể hình, thấp bé hơn.

Vấn đề nằm ở tuyển Việt Nam

Khó chịu, ức chế vì nhận bàn thua bởi một tình huống có quy định không rõ ràng. Thế nhưng, cần suy xét lại, vấn đề cốt lõi nằm ở chính tuyển Việt Nam, chính từ các cầu thủ Việt Nam. Tuyển Oman cũng từng áp dụng cách đá phạt góc này với tuyển Saudi Arabia nhưng chỉ có 2 pha đá dội xà, còn với Nhật Bản và Australia thì không có công hiệu. 

Chiều cao trung bình của tuyển Oman là 1m77, cao hơn tuyển  Việt Nam (1m75) nên chiến thuật "ruồi bu" đạt hiệu quả cao. Trong khi tuyển Australia và Nhật Bản đều có chiều cao trung bình trên 1m8, đặc biệt phân bố ở những vị trí hàng thủ (nhiều người trong số đó đang thi đấu tại Châu Âu) nên cách áp sát của cầu thủ Oman chỉ như "muỗi đốt inox".

Duy Mạnh là một trong những cầu thủ cao nhất hàng phòng ngự Việt Nam cũng chỉ đạt 1m80. Ảnh: OFA 

Vấn đề thể hình, thể chất phần lớn bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Thế nhưng, Việt Nam vẫn cần một sự nhìn nhận nghiêm túc trong chiến lược cải thiện lâu dài. Nhắc lại kỳ World Cup 2002, tuyển Nhật Bản chỉ có 3 cầu thủ thi đấu tại Châu Âu là Shinji Ono (Feynoord), Junichi Inamoto (Arsenal), Hidetoshi Nakata (AC Parma) và cả 3 đều là tiền vệ.

Nói vậy để thấy, trong tay huấn luyện viên Philippe Troussier không có hậu vệ nào đạt chuẩn được các đội Châu Âu để mắt. Cầu thủ có thể hình tốt nhất tuyển Nhật khi đó là trung vệ Naoki Matsuda với chiều cao 1m83. Tuyển Nhật dễ dàng thất thế trong hầu hết pha tranh chấp với đối thủ Châu Âu, và chống bóng bổng là điểm yếu "chết người" của họ.

Thế nhưng, nhìn vào đội tuyển Nhật hiện tại, không đội nào ở Châu Á dám lấy thể hình ra so kè với họ. Ở vị trí đặc thù như hàng thủ, bộ đôi trung vệ Maya Yoshida cao 1m88 đang thi đấu cho Sampdoria (Italia), và Takehiro Tomiyasu (1m88) vừa được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất tháng 9 của Arsenal. Bên cạnh thủ thành Shuichi Gonda (1m88) đang thi đấu tại Bồ Đào Nha, cùng Naomichi Ueda đá tại Pháp.

Yoshida và Tomiyasu của Nhật Bản đang là ngôi sao ở trời Âu. Ảnh: AFP

Không chỉ có thể hình tốt, khi được đọ sức hàng tuần với những đối thủ cao lớn tại Châu Âu, đó là vốn quý để phát triển đẳng cấp cho cả nền bóng đá. Vấn đề dinh dưỡng cần thời gian để phát huy hiệu quả, nhưng bên cạnh đó còn là vấn đề xuất ngoại để va chạm với những nền bóng đá tiên tiến hơn.

Trận thua của tuyển Việt Nam trước Oman nói lên nhiều điều. một trong số đó là nhược điểm không thể chối bỏ của cả nền bóng đá khi tiến vào vòng loại cuối cùng World Cup - nơi mà mọi yếu tố nhỏ đều quyết định cục diện. Những gì Nhật Bản từng trải qua là bài học cho Việt Nam, để biết cần làm gì để vươn lên sau thất bại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn