MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CĐV đốt pháo sáng tại SVĐ Hàng Đẫy. Ảnh: TUẤN TÚ

Chuẩn bị vòng loại World Cup 2022 tại Mỹ Đình: Nỗi lo an ninh sân cỏ

GIANG ANH LDO | 22/09/2019 19:45
Vé trận đấu tuyển Việt Nam với Malaysia ở Mỹ Đình tại vòng loại World Cup 2022 đã bán và đang tạo ra một cơn sốt thực sự. Tuy nhiên, trước những vấn đề an ninh sân cỏ tại giải V.League gần đây thì an ninh, an toàn cho trận đấu này là một vấn đề không thể xem nhẹ.

Ám ảnh từ những quả pháo sáng ở V.League

“Gia đình xin lỗi vì báo muộn. Hôm nay, con không ra sân được như ước muốn...”. Trận đấu giữa Hà Nội và Viettel ở vòng 23 Wake-up 247 V.League 2019 sau án phạt từ Ban kỷ luật VFF, có nhiều chuyện lạ khi cầu thủ 2 đội đá một trận “xanh chín” liên quan trực tiếp đến cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng diễn ra trong khung cảnh “vườn không, nhà trống” do lệnh cấm sân. Một trong số đó, liên quan đến việc các em bé được vào sân dắt tay cầu thủ ra sân theo nghi lễ.

Quả pháo sáng bắn từ khán đài B, khu vực dành cho cổ động viên Nam Định sang khán đài A và khiến một khán giả nữ trọng thương phải đi cấp cứu, cùng với tình trạng hỗn loạn và cơn mưa pháo sáng mà nhiều cổ động viên đội khách trút xuống sân, tạo ra một thứ ám ảnh và lo sợ. Những video, hình ảnh lan truyền trên mạng và trong đó có vết thương đáng sợ hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu chỉ cần lệch đi một chút, mang đến quá nhiều lo sợ. Thế nên nhiều gia đình coi việc đưa con em đến Hàng Đẫy là một nguy cơ, nên chọn cách... tránh.

Nhiều em bé, từ 2 năm nay việc được đến sân Hàng Đẫy để được dắt tay Quang Hải, Duy Mạnh, Thành Chung, Đức Huy, Hùng Dũng, Omar, Moses... của Hà Nội hay những Quế Ngọc Hải, Tiến Dũng, Hoàng Đức, Trọng Hoàng... của Viettel là ước ao mà cũng là phần thưởng quý giá lâu nay, giờ bỗng dưng thành nỗi sợ của gia đình. Và niềm hạnh phúc của trẻ con với bóng đá, nhiều bố mẹ phải chuyển thành lời xin lỗi chỉ vì không dám cho con ra sân sau “vụ pháo sáng Hàng Đẫy”...

Cơn ác mộng ở Hàng Đẫy. Ảnh: TUẤN TÚ

Đến nỗi lo “quốc nạn” ở Mỹ Đình

“Mong vụ này cần xử lý hình sự kẻ đốt pháo gây thương tích để răn đe. Và mong tất cả các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để chặn vấn nạn pháo sáng. Nếu không, để lan lên sân Mỹ Đình thì lúc đó thành “quốc nạn” cho bóng đá Việt Nam...”. Sau sự cố ở trận đấu bù vòng 22 V.League 2019 giữa Hà Nội - Nam Định dẫn đến án phạt nghiêm trọng rồi sân Hàng Đẫy bị treo 2 trận, bầu Hiển từng ý kiến như thế.

Có thể, đó là cách nói hơi quá khi dùng từ “quốc nạn” với những quả pháo sáng và ý thức của một bộ phận nhỏ cổ động viên, nhưng nếu xâu chuỗi lại thì thấy cũng đáng cần báo động, đặc biệt phía trước là vòng loại World Cup 2022 với những trận đấu có tính chất quan trọng của thầy trò HLV Park Hang-seo. Bởi có hay, có đẹp và cố gắng đến đâu thì mọi thứ đều có thể bị phá hủy bởi một hành động vô ý thức, chưa nói là âm mưu phá hoại.

12.000USD là cái giá cho quả pháo sáng vô thức mà một khán giả thiếu hiểu biết đốt trên khán đài có cổ động viên Việt Nam ở ASIAD 2018 trong trận đấu giữa U.23 Việt Nam và U.23 Indonesia. Và quả pháo sáng đốt ở trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia tại vòng bảng AFF Cup 2018 từng khiến VFF khốn khổ, suýt nữa trả cái giá cực đắt chứ không phải án phạt tiền và cảnh cáo. Nó đặc biệt nguy hiểm, khi chính một bộ phận cổ động viên Việt Nam trước đó dùng quả pháo để đe dọa cả VFF lẫn ĐTQG chỉ vì... “mấy cái vé bóng đá”.

Trận đấu với Malaysia ở vòng loại World Cup 2022 tại Mỹ Đình ngày 10.10 tới, giờ đã có thêm bài học và nỗi đau từ “vụ Hàng Đẫy”. Thế nên khi tấm vé vào sân càng cao giá do VFF quyết định chọn ứng dụng VinID để làm kênh phân phối 2/3 số vé phát hành của sân Mỹ Đình có sức chứa 35.000 chỗ ngồi, công tác an ninh, an toàn cùng cơn ác mộng mang tên pháo sáng một lần nữa cần phải được đề cao và chú trọng.

Để đảm bảo an ninh trật tự dịp bảo đảm TTATGT sau trận đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á, Công an Hà Nội sẽ xử lý nghiêm tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, cổ vũ đua. Ngoài lực lượng công khai sẽ có lực lượng mật phục, hóa trang bắt giữ đối tượng cầm đầu...

Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động - Công an Thành phố Hà Nội, lực lượng CSCĐ sẽ tập trung đấu tranh với đối tượng cầm đầu hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Trận bóng đá giữa Việt Nam và Malaysia thi đấu và tường thuật lúc 20h ngày 10.10, nhiệm vụ tuần tra, chống đua xe, cướp giật sẽ vất vả hơn.

Lực lượng CSCĐ áp dụng các biện pháp mạnh như kéo dài thời gian giữ xe (lên đến 30 ngày thay vì 15 ngày), áp dụng mức xử phạt cao. CSCĐ cũng áp dụng cho lăn tay, lưu hồ sơ để theo dõi các đối tượng có tiền sử đua xe. Đặc biệt, một nửa lực lượng tuần tra được hóa trang dân sự; duy trì tuần tra kiểm soát hành chính vào ban ngày. Riêng tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình an ninh sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Về công tác phòng chống cờ bạc, cá độ bóng đá dịp này, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội cho biết, đã lên kế hoạch giám sát các tụ điểm cà phê bóng đá, câu lạc bộ bóng đá, các đối tượng trùm cá độ đều bị lên danh sách theo dõi.

Hiện các trinh sát hình sự thành phố luôn tiếp cận một số tụ điểm có dấu hiệu tổ chức cá độ để theo dõi, xử lý. Ngoài việc chống cờ bạc, cảnh sát hình sự còn theo dõi các tụ điểm để phản ứng kịp thời các vụ gây rối, xô xát xảy ra trước và sau các trận có đội tuyển Việt Nam thi đấu. QUANG HIỆU

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn