MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực chất, các câu lạc bộ tại Việt Nam chưa kiếm được tiền từ bản quyền truyền hình. Ảnh: VPF.

Chuyện bóng đá Thái Lan vay tiền “để sống” và vấn đề của V.League

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 08/08/2020 20:33
Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) cho biết sẽ vay tiền để duy trì các giải đấu trong nước, tránh viễn cảnh các đội bóng phá sản. V.League 2020 chưa lâm vào cảnh đó, nhưng việc kiếm tiền luôn là cơn “đau đầu” của VPF.

Việc các đội bóng Thái Lan lâm cảnh túng quẫn chủ yếu đến từ việc họ mất các nguồn thu lớn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thai League đã bị tạm ngưng gần 4 tháng và chỉ trở lại ngày 12.9 tới. Điều đó khiến các đội bóng không có tiền tài trợ, bán vé, vật phẩm…

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất khiến FAT phải lên phương án “vay tiền” xuất phát từ tiền bản quyền truyền hình. TrueVisions – đơn vị nắm bản quyền các giải đấu tại Thái Lan không chịu chi 800 triệu baht (hơn 600 tỉ đồng) khi FAT quyết định thay đổi định dạng Thai League. Họ chỉ đồng ý phát sóng các trận đấu đến hết ngày 25.10.2020, trong khi giải đấu sẽ kéo dài đến tận tháng 5.2021.

Không có tiền bản quyền truyền hình, các câu lạc bộ Thai League sẽ chỉ nhận 1 phần rất nhỏ trong số 31 tỉ đồng/đội từ tiền bản quyền truyền hình. Đây là số tiền gần bằng với mức kinh phí tối thiểu 35 tỉ đồng, để một đội V.League duy trì hoạt động.

Việc Thai League kiếm hàng trăm tỉ đồng/mùa từ bản quyền truyền hình vẫn là điều mà VPF – đơn vị điều hành V.League vẫn chưa làm được. Thực chất, số tiền VPF thu được từ bản quyền truyền hình rất thấp. Việc phát sóng các trận đấu tại V.League thông qua phương thức trao đổi, khi các nhà đài quy đổi 15 phút quảng cáo cho các nhà tài trợ của VPF trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai hiệp. Căn cứ vào số tiền tài trợ nhận được, cuối mùa VPF sẽ chi ra một số tiền hỗ trợ cho các đội bóng.

Thai League từng xếp sau V.League, nhưng hiện tại họ đã vượt xa về mức độ chuyên nghiệp, đặc biệt là khoản kiếm tiền. Ảnh: FAT.

Con số này không đáng là bao. Chẳng hạn ở V.League 2015, VPF chi 11,4 tỉ đồng căn cứ vào thứ hạng các đội. Đội cuối bảng Đồng Nai năm đó nhận 400 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí về thẻ phạt, án phạt… cũng như tiền ký quỹ 500 triệu đồng/đội, họ thậm chí còn lỗ… vài trăm triệu đồng.

Điều đó vẫn chưa thay đổi ở những mùa gần đây. Đội Quảng Nam chia sẻ ở V.League 2019, họ chỉ nhận vài trăm triệu đồng, số tiền chẳng thấm vào đấu so với chi phí hoạt đồng lên đến hàng chục tỉ đồng của họ. Nói cách khác, các đội bóng Việt Nam vẫn chưa tự nuôi sống được mình thông qua bóng đá. Họ vẫn phụ thuộc vào tiền tài trợ, ngân sách hay của các ông bầu.

Muốn V.League bán được bản quyền truyền hình với giá cao, giúp các đội kiếm được hàng chục tỉ đồng/mùa, VPF bắt buộc phải tạo ra một sản phẩm tốt – chính là các trận đấu, để thu hút các đối tác. Điều này, VPF vẫn chưa làm được. So với Thai League, vấn đề kiếm tiền của các đội bóng Việt Nam lẫn VPF nan giải hơn nhiều.

Chuyện tiền nong của các đội Thai League chỉ là vấn đề trước mắt. Năm 2021, khi gói bản quyền trị giá 400 triệu USD (hơn 9.500 tỉ đồng) có hiệu lực, các đội bóng tại đây sẽ sớm vượt qua cơn khủng hoảng.

Còn V.League và các đội bóng Việt Nam, đó vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn