MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CLB TP.HCM tìm thuyền trưởng cùng hành trình để thành đối trọng của Hà Nội

AN NGUYÊN LDO | 15/11/2020 06:34

Hành trình để CLB TP.HCM trở thành đối trọng thực sự của CLB Hà Nội xem ra vẫn còn khá dài và bắt đầu từ chính chiếc ghế huấn luyện viên trưởng.

Từ thất bại của “đế chế” Hàn Quốc...

Sau 2 năm làm việc tại TP.HCM, có thể khẳng định huấn luyện viên (HLV) Chung Hae-seong và “đế chế Hàn Quốc" đã thất bại. Là Á quân của V.League 2019 nhưng vị trí của TP.HCM ở mùa giải 2020 lại là vị trí thứ 5. Sự thụt lùi về thành thích đương nhiên không thể chấp nhận với một đội bóng giàu tham vọng và có tiềm lực tài chính mạnh.

Thậm chí, đến đầu giai đoạn 2 của V.League 2020, chẳng còn ai tin rằng CLB TP.HCM có thể “lật đổ” đội Hà Nội hay đơn giản là níu giữ hy vọng vô địch. Mọi chuyện thực ra đã đổ bể từ thời điểm HLV Chung Hae-seong từ chối chức vụ Giám đốc kỹ thuật, muốn nhận đủ 17 tháng lương tiền đền bù phí giải phóng hợp đồng và rồi lại… quay lại chiếc ghế HLV trưởng.

HLV Chung Hae-seong rời "ghế nóng" TP.HCM sau mùa giải V.League 2020. Ảnh: HCMC

Cộng thêm trận thua 0-3 trước Hà Nội ngay tại Thống Nhất, dường như sự tự tin và tính gắn kết của các cầu thủ TP.HCM đã không còn. Trên sân cỏ, những khán giả trung thành nhất cũng hoài nghi khi họ không thắng trong 5 trận đầu tiên của giai đoạn 2, lối chơi cũng không có gì đặc biệt, nhất là khi Công Phượng gặp chấn thương.

Cách đây ít ngày, HLV Chung Hae-seong chính thức nói lời chia tay TP.HCM. Và từ đây, đội bóng thành phố mang tên Bác cũng phải đi tìm một HLV mới, và hiển nhiên là một chiến lược phát triển mới, triết lý trên sân cỏ mới.

Đến câu chuyện nhọc nhằn tìm thuyền trưởng

TP.HCM cần phải có một thuyền trưởng đủ tầm đưa họ vượt những "cơn sóng lớn", ở đây là những Viettel, Hà Nội hay thậm chí là Sài Gòn. Gần đây, những cái tên được liên hệ với TP.HCM như Kiatisuk, Dusit hay Silva đều có một điểm chung. Họ hoặc là những danh thủ Thái Lan bước đầu thành công trên cương vị huấn luyện, hoặc cũng đã thành công tại Thai League.

Tại sao “chiếc ghế nóng” ấy lại không thể dành cho một HLV nội, bởi rõ ràng lịch sử V.League không tìm ra nhiều HLV ngoại thành công. Chính Kiatisak hay Dusit cũng từng thất bại tại HAGL, số người thành công thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Petrovic (Thanh Hoá) hay Calisto (Long An). Đến cố HLV tài năng Alfred Riedl cũng từng phải rời Hải Phòng sau quãng thời gian ngắn làm việc.

CLB TP.HCM chưa phải là đối thủ thực sự của Hà Nội. Ảnh: HCMC

V.League không hẳn có yêu cầu trình độ quá cao nhưng tính khắc nghiệt thì chẳng kém bất kì giải đấu nào. Khoảng cách giữa các đội bóng mạnh và tầm trung không quá lớn, nhóm bét bảng như Nam Định, Hải Phòng cũng rất cá tính và có thể khiến đối thủ sa lầy trên sân nhà của họ.

Nếu tham gia vào cuộc đua vô địch, một đội bóng còn phải vượt qua được cái bóng rất lớn của Hà Nội. Á quân V.League 2020 vừa có lực lượng dồi dào, kinh nghiệm đua đường trường và cả những yếu tố hậu trường. TP.HCM muốn dùng rất nhiều tiền để gia cố lực lượng, nhưng thực ra những ngôi sao sáng nhất đều ở chính những đối thủ như Hà Nội hay Viettel.

Chính vì vậy, đi tìm một ngôi sao lớn trên băng ghế huấn luyện không phải lựa chọn tồi với TP.HCM. Họ có thể mất thêm 1-2 mùa giải nữa để xây dựng lực lượng còn hơn là tiếp tục thay máu tràn lan và rồi thất bại như ở V.League 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn