MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công Phượng đang được định giá 15 tỉ đồng. Ảnh: Hữu Phạm

Công Phượng, ngôi sao tiền tỉ hay "hàng xuất khẩu lỗi"?

HOÀI ĐAN LDO | 03/05/2020 15:06
Công Phượng xứng đáng là "cầu thủ triệu đô" hay thuộc "hàng xuất khẩu lỗi" của bầu Đức, tùy từng góc nhìn. 

Năm 2014, sau khi Hoàng Anh Gia Lai trình làng lứa cầu thủ thuộc khóa 1 Học viện HAGL Asenal JMG, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Toàn... đã tạo ra một cơn sốt thực sự với bóng đá Việt Nam. Thậm chí, sau giải U19 Đông Nam Á với màn trình diễn xuất sắc trong đó có trận thắng gây sốc trước U19 Australia và hàng loạt giải trẻ giao hữu sau đó, bầu Đức còn tiết lộ rằng không bán Công Phượng, dù được các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản định giá tới 4 triệu USD. 

Với bầu Đức, ông từng tham vọng sẽ "xuất khẩu" cầu thủ sang Châu Âu để thu về hàng triệu USD cho mỗi tài năng mà Học viện HAGL Arsenal JMG đào tạo ra. U19 Việt Nam với nòng cốt là quân Hoàng Anh đã được bầu Đức đài thọ sang Châu Âu tập huấn năm 2013, ngoài việc được luyện tập, cọ xát với các đội trẻ danh tiếng của Ngoại hạng Anh ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp thì đây còn là cơ hội để "chào hàng" những sản phẩm đầu tiên của lò đào tạo liên kết với Arsenal.

Công Phượng trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Duy Anh

Tuy nhiên, sau chuyến tập huấn đó thì chỉ có một vài gương mặt được đánh giá cao chứ không phải là cầu thủ được chọn. Tuấn Anh từng được quảng cáo là lọt vào tầm ngắm của huấn luyện viên Arsene Wenger và được Olympiakos mời sang thử việc, thế nhưng tiền vệ tài năng này cũng chỉ được đánh giá là có tiềm năng phát triển.  

Kế hoạch xuất ngoại cầu thủ sang Châu Âu của bầu Đức không thành, cả lứa cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai không có "đầu ra" nên cuối cùng phải chọn giải pháp đôn hết lên đá V.League 2015. Thế nhưng khi HAGL đá đâu thua đó, kỳ vọng dần chuyển thành thất vọng.

Sau mùa giải đầu tiên bầm dập ở V.League, bầu Đức quyết định để 3 cầu thủ tài năng nhất xuất ngoại: Tuấn Anh, Công Phượng sang Nhật Bản, Xuân Trường sang Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, đó đều là những chuyến "du học" chứ không phải những thương vụ chuyển nhượng đúng nghĩa. Cả 3 cầu thủ hay nhất của HAGL đều không thành công, bầu Đức một lần nữa đưa Xuân Trường qua Thái Lan, Công Phượng sang Hàn Quốc rồi sau đó là Bỉ. Khá nghiệt ngã, đó đều là những chuyến đi thất bại về mặt chuyên môn. 

Việc Công Phượng trở lại V.League khoác áo TP.HCM cũng được xem là một cuộc "giải cứu tương lai", sau thời gian dài dự bị ở Hàn Quốc rồi Bỉ dẫn đến mất phong độ, mất cả vị trí ở đội tuyển Việt Nam.

Bầu Đức khẳng định rằng những lần "xuất khẩu" cầu thủ, ông đều thu được tiền. Ông tự tin nói rằng mình là người đầu tiên ở Việt Nam thu được tiền từ việc cho cầu thủ xuất ngoại. Thế nhưng chiếu theo mục đích và những tuyên bố ngày nào thì đúng là mọi thứ đã không được như kỳ vọng.  

Sau khi xuất hiện thông tin TPHCM sẵn sàng bỏ ra 15 tỉ đồng để mua tiền đạo Công Phượng và Chủ tịch Hữu Thắng lên tiếng phủ nhận, nhiều người thấy cảm giác ngậm ngùi thay. Bởi ở tuổi 25 với 6 năm đá chuyên nghiệp, tài năng sáng giá nhất mà bầu Đức đào tạo được vẫn chơi bóng theo những bản hợp đồng cho mượn.

Và giá trị của Công Phượng với bầu Đức vẫn cứ là "vô giá"... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn